Trang chủ » Điều kiện mở điểm đấu nối cửa hàng xăng dầu vào quốc lộ

Điều kiện mở điểm đấu nối cửa hàng xăng dầu vào quốc lộ

bởi unexpress

BNEWS Với cửa hàng xăng dầu quy hoạch ở lân cận hoặc trùng với điểm đấu nối đường nhánh khác, phải điều chỉnh để tại vị trí đó chỉ tồn tại một điểm đấu nối theo hướng ưu tiên điểm đấu nối của công trình.

Công ty TNHH Sản xuất vật liệu và Kinh doanh thương mại Hải Đăng (Kon Tum) đang làm thủ tục đấu nối cửa hàng bán lẻ xăng dầu vào QL.14 tại Km1432+860 (trái tuyến và chưa có quyết định quy hoạch điểm đấu nối), đã có Sở Giao thông vận tải Kon Tum cùng ban ngành kiểm tra hiện trạng đấu nối.

Khoản 4, Điều 21 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT quy định, đối với cửa hàng xăng dầu được quy hoạch ở lân cận hoặc trùng với điểm đấu nối của đường nhánh khác, phải điều chỉnh để tại vị trí đó chỉ tồn tại một điểm đấu nối theo hướng ưu tiên điểm đấu nối của công trình có trước hoặc sử dụng chung.

Công ty TNHH Sản xuất vật liệu và Kinh doanh thương mại Hải Đăng hỏi, cửa hàng xăng dầu của Công ty liền kề với điểm đấu nối Km1432+460 trái tuyến (đã được quy hoạch điểm đấu nối tại Quyết định số 977/QĐ-UBND tỉnh Kon Tum ngày 30/9/2014) thì theo Khoản 4, Điều 21 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT có phải điều chỉnh để vị trí đó chỉ tồn tại một điểm đấu nối không, hay phải xin thành 2 điểm đấu nối khác nhau? Nếu tồn tại vị trí đó một điểm đấu nối thì có phải xin được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận hay không?

Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải trả lời như sau:

Ngày 22/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Ngày 31/12/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Điểm 2, Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 117/2021/NĐ-CP quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; chịu trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng thông hành của tuyến đường”.

Điểm 5, Khoản 3 Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT quy định: “Trường hợp sử dụng chung điểm đấu nối, chỉ áp dụng cho một công trình, dự án cùng phía tiếp giáp trực tiếp với đường nhánh của nút giao điểm đấu nối hiện hữu, không làm phát sinh điểm đấu nối mới. UBND cấp tỉnh quyết định việc sử dụng chung điểm đấu nối hiện hữu vào quốc lộ. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chung điểm đấu nối phải thực hiện cải tạo nút giao sau khi được cơ quan đường bộ có thẩm quyền chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp phép thi công theo quy định”.

Theo quy định nêu trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định các điểm đấu nối vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum là UBND tỉnh Kon Tum.

Việc sử dụng chung điểm đấu nối đã được quy hoạch vào QL.14 tại Km1432+460 (T) do UBND tỉnh Kon Tum xem xét, quyết định, bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật (Nghị định số 117/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải).

Đề nghị Công ty TNHH Sản xuất vật liệu và Kinh doanh thương mại Hải Đăng liên hệ với Sở Giao thông vận tải Kon Tum để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục đấu nối vào quốc lộ./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm