Trang chủ » Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam bất ngờ mất hơn 56 điểm?

Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam bất ngờ mất hơn 56 điểm?

bởi unexpress

Chiều ngày 06/7/2021, VN-Index bất ngờ đảo chiều trước phiên ATC 15 phút, sau đó rơi thẳng đứng và mất hơn 56 điểm khi đóng cửa – mức giảm sâu nhất trong vòng năm tháng qua.

Phiên giảm điểm trong ngày đầu tiên hệ thống mới của HoSE vận hành khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Phần đông báo cáo của công ty chứng khoán cho rằng khả năng VN-Index giảm tiếp và bị ấn xuống dưới 1.400 điểm khá lớn. Tuy nhiên, dự báo này không chính xác trong suốt phiên sáng nay bởi chỉ số vẫn duy trì sắc xanh dù biên độ không lớn.

Trạng thái thị trường thay đổi đột ngột 45 phút trước giờ đóng cửa. VN-Index đảo chiều từ tăng thành giảm, sau đó rơi thẳng đứng khi lực bán tháo lan trên diện rộng. Dòng tiền tham gia bắt đáy không đủ mạnh để vực dậy hàng loạt cổ phiếu đang giảm hết biên độ.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM chốt phiên tại 1.354,79 điểm, giảm hơn 56 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên giảm mạnh nhất trong hơn năm tháng qua. Lần gần nhất VN-Index giảm trên mức này là ngày 28/1, khi đó chỉ số rơi 73,23 điểm, tương ứng 6,67%. Số lượng cổ phiếu giảm áp đảo hoàn toàn với 350 mã, gấp gần bảy lần số cổ phiếu tăng. Trong đó, 56 mã giảm hết biên độ.

Rổ VN30 có 26 mã giảm, trong đó 7 mã giảm sàn và hầu hết đều thuộc nhóm ngân hàng như CTG, TCB, MBB, TPB. Ở chiều ngược lại, chỉ có ba mã vốn hoá lớn đang ngược dòng thị trường là NVL, VJC và PNJ. Trong đó, NVL dẫn đầu biên độ tăng khi tích luỹ thêm 1,7% để lên 117.000 đồng.

Trong số 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường thì ngân hàng cũng chiếm phân nửa. Dẫn đầu trong danh sách này là VHM và TCB khi cùng mất 6,9% so với tham chiếu, tiếp đến VIC mất 2,6%.

Thanh khoản sàn TP HCM hôm nay đạt 28.673 tỷ đồng, tăng khoảng 640 tỷ đồng so với hôm qua và duy trì mạch đi lên phiên thứ ba liên tiếp. HPG đóng góp gần 2.500 tỷ đồng, tiếp đến VPB khoảng 2.400 tỷ đồng. Ba cổ phiếu còn lại trong nhóm năm mã có giá trị giao dịch lớn nhất đều trên 1.000 tỷ đồng, gồm CTG, TCB và STB.

Dòng tiền vẫn tập trung nhiều nhất ở nhóm tài chính với gần 10.500 tỷ đồng. Nhóm bất động sản đứng thứ hai với gần 4.160 tỷ đồng, sau đó là nguyên vật liệu, công nghiệp và tiêu dùng thiết yếu.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 1.775 tỷ đồng và bán ra 1.793 tỷ đồng. Nhóm này tập trung giải ngân vào MWG, HPG và FPT.

Phương Đông @ VNExpress

Có thể bạn quan tâm