BNEWS Những ngày Tết Nguyên đán, niềm vui của người dân ở thôn Nà Tằm, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) như được nhân lên gấp bội khi dòng điện lưới quốc gia đã đến với thôn vùng cao này.
Một mùa Xuân mới đã về, những bông hoa mơ, hoa lê, hoa đào rực rỡ khoe sắc thắm. Hương sắc mùa Xuân đã lan tỏa khắp các bản, làng vùng cao nguyên đá của Hà Giang.
Những ngày Tết Nguyên đán, niềm vui của người dân ở thôn Nà Tằm, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) như được nhân lên gấp bội khi dòng điện lưới quốc gia đã đến với thôn vùng cao này.
Nậm Ban là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc, cách thành phố Hà Giang 180km, cách trung tâm huyện Mèo Vạc 30km. Xã Nậm Ban có 12 thôn với diện tích tự nhiên hơn 4.900ha, trong đó đất sản xuất khoảng 2.000 ha, địa hình chia cắt và nhiều núi đá. Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Giáy, Mông…; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới rà soát năm 2021 là 69,57%, hộ cận nghèo là 9,4%.
Nhận thấy sự cần thiết phải đưa điện lưới quốc gia về để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các thôn trên địa bàn huyện, hàng năm, huyện Mèo Vạc bố trí nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình nông thôn mới và cân đối các nguồn vốn được phân cấp để ưu tiên đầu tư xây dựng mới công trình điện cho thôn chưa có điện lưới quốc gia.
Thôn Nà Tằm là một trong số những thôn mới được hưởng nguồn điện lưới quốc gia vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ngày khánh thành công trình trị giá trên 5,2 tỷ đồng, đưa điện về thôn là một trong những ngày vui của bà con nơi đây, mong ước có điện lưới quốc gia đã trở thành hiện thực.
Ông Vầy Đức Cú, thôn Nà Tằm, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có gần 60 năm sinh sống tại thôn Nà Tằm chia sẻ: “Lần đầu tiên được hưởng nguồn điện lưới quốc gia, gia đình tôi đã mua tivi và cái nồi cơm điện. Bà con trong thôn cũng rất phấn khởi, niềm vui được nhân lên khi có điện vào đúng dịp Tết”.
Đồng chí Vầy Văn Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Nà Tằm cho biết, có điện lưới quốc gia, người dân trong thôn có thêm cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều hộ gia đình có thể mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống, tiếp cận thông tin về các mô hình phát triển kinh tế hay, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.
“Khi chưa có điện lưới quốc gia, máy xay xát gạo, ngô phải chạy bằng dầu, chi phí tốn kém. Từ khi có điện lới quốc gia, chi phí tiền điện cho các máy móc này giảm một nửa so với chạy bằng dầu” – Bí thư Chi bộ thôn Nà Tằm chia sẻ.
Có thể nói, khi đường giao thông và điện lưới quốc gia về đến thôn, bản vùng cao đã làm đổi thay rõ rệt bộ mặt nông thôn miền núi. Đứng từ trên núi cao có thể nhìn thấy những hàng cột điện nối đuôi nhau băng qua những gọn núi, đồi cao, mang ánh sáng đến với đồng bào dân tộc thiểu số Giáy, Mông, Nùng, Dao…
Sự khát khao mong chờ được sử dụng điện giống như các hộ miền xuôi của bà con nơi đây đã trở thành hiện thực. Cái nghèo dần được đẩy lùi, nhiều mơ ước của tuổi trẻ được chắp cánh, mong muốn được cải thiện cuộc sống của bà con ngày càng gần.
Công ty Điện lực Hà Giang hiện đang quản lý, vận hành 5 trạm biến áp 110kV với hơn 470km đường dây 110Kv. Lưới điện chủ yếu chạy qua các huyện có địa hình phức tạp, thời tiết bất thường.
Đến nay, 100% số xã và gần 90% số thôn, bản cùng với 90% số hộ dân nông thôn tại Hà Giang có điện lưới quốc gia; trong đó, huyện vùng cao Mèo Vạc có độ bao phủ điện lưới quốc gia đạt 80,83%./.
>>>Tết sớm của những người thợ truyền tải điện
Theo BNews/