Trang chủ » Dịch COVID-19: Kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản vào vụ

Dịch COVID-19: Kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản vào vụ

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Dưa hấu của nông dân huyện Tuy An được thu hoạch, bán cho các đơn vị. Ảnh: baophuyen.com.vn

Giữ giá thu mua cho nông dân

Tại xã An Lĩnh, huyện Tuy An là thời điểm thu hoạch nhiều loại trái cây như: dưa hấu, chuối, bưởi da xanh… Những vụ trước, việc đi lại thuận lợi, thương lái ở các địa phương ngoài tỉnh đến tận vườn để thu mua. Nhưng nay thì khác, dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp khiến cho việc tiêu thụ nông sản khó khăn. Nếu có người mua thì giá thấp khiến nông dân thua lỗ.

Ruộng dưa hấu hơn 1,2 ha của gia đình ông Nguyễn Việt Dũng ở thôn Phong Thái, xã An Lĩnh ước tính thu hoạch 15 tấn. Thương lái đến xem dưa và báo giá mua chỉ 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình ông Dũng chắc chắn lỗ tiền đầu tư (bình quân 70 triệu đồng/ha) chưa kể công lao động của 2 vợ chồng gần hai tháng qua. Nhờ được sự kết nối của Hội Nông dân xã An Lĩnh với hệ thống siêu thị Co.op Tuy Hòa và một số doanh nghiệp khác mua ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên gia đình ông Dũng đã bán hết số dưa với giá 4.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Việt Dũng vui mừng nói: “Từ nửa tháng trước gia đình mất ăn, mất ngủ vì không biết bán dưa đi đâu. Nếu thương lái có ép xuống 2.000 đồng/kg cũng phải bán chứ không dưa sẽ hỏng. Nhờ có sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã An Lĩnh tìm chỗ bán và phương tiện vận chuyển nên dưa bán được giá cao hơn. Với mức giá 4.000 đồng/kg, gia đình thu hồi đủ được phần vốn đầu tư đã bỏ ra”.

Với sự kết nối của Hội Nông dân xã An Lĩnh, hơn một tuần qua, 28 tấn dưa và 3 tấn chuối của nông dân trong xã đã được tiêu thụ với mức giá đảm bảo thu hồi vốn đầu tư. Dự kiến trong thời gian tới, còn hơn 60 tấn dưa hấu và 10 tấn chuối đến chu kỳ thu hoạch cần được tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lĩnh cho hay, để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, các chi hội đã đến từng tổ, từng thửa rộng để thống kê sản lượng. Nông sản sẽ được điều tiết, thu mua theo thứ tự ưu tiên theo kỳ thu hoạch và sau đó tập kết và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Giá mua nông sản được giữ ở mức đảm bảo nông dân không bị thua lỗ. Việc kết nối và vận động các đơn vị hỗ trợ tiêu thụ đã giúp bà con nông dân vừa có thể duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Đảm bảo chất lượng

Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người tiêu dùng, tại huyện Tuy An đã có hơn 150 tấn nông sản các loại được hỗ trợ tiêu thụ với giá trị gần 2 tỷ đồng. Các đơn vị thu mua chủ yếu là siêu thị Co.op Tuy Hòa, Công ty cổ phần Việt Thành, Quỹ Tâm Đức… Cùng với các giải pháp trước mắt, địa phương này đang tìm cách kết nối, ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản lâu dài cho nông dân.

Theo ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, trước mắt để gỡ khó giúp bà con nông dân những vùng sản lượng nông sản ít sẽ được kết nối hỗ trợ tiêu thụ tại chỗ. Đối với những vùng có sản lượng nông sản lớn, không thể tiêu thụ hết, chính quyền địa phương sẽ làm việc với Sở Công Thương kịp thời đưa thông tin, sản lượng, thời điểm thu hoạch, cũng như kết nối với các kênh phân phối, tiêu thụ khác. Ngoài ra, huyện cũng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Mục tiêu cuối cùng là không để nông sản của nông dân bị hư hỏng đến mức phải vứt bỏ.

Cùng với việc kết nối đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng cho nông dân, các đơn vị tiêu thụ khuyến cáo nông dân cần đảm bảo chất lượng sản phẩm để cung ứng cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.op Tuy Hòa cho biết, trong thời gian tỉnh Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, Co.op Tuy Hòa ưu tiêu thu mua và tiêu thụ nông sản tại địa phương.

Tuy nhiên, để hàng hóa vào siêu thị phải đảm bảo quy chuẩn, chất lượng mới có thể bán cho khách hàng. Từ sự kết nối của các địa phương đến nay, siêu thị Co.op Tuy Hòa đã tiêu thụ được 15 tấn dưa hấu, gần 1 tấn đu đủ của nông dân các huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Đông Hòa.

Thời gian tới, siêu thị sẽ tăng cường mua các sản phẩm đậu phộng, bí đỏ, rau xanh của nông dân. Nếu chất lượng đảm bảo, mức tiêu thụ nhanh thì số lượng các mặt hàng nông sản sẽ được thu mua nhiều hơn.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm