Trang chủ » Để chặt đứt “điệp khúc buồn” nắng nóng kèm hỏa hoạn

Để chặt đứt “điệp khúc buồn” nắng nóng kèm hỏa hoạn

bởi unexpress

BNEWS Làm thế nào để chặt đứt “điệp khúc” tồi tệ này là điều trăn trở không chỉ của riêng lực lượng phòng cháy, chữa cháy mà của toàn xã hôi.

Vào mùa nắng nóng, các vụ hỏa hoạn lại liên tiếp xảy ra, gây ra những thiệt hại đau xót về người và tài sản. Làm thế nào để chặt đứt “điệp khúc” tồi tệ này là điều trăn trở không chỉ của riêng lực lượng phòng cháy, chữa cháy mà của toàn xã hôi.
* “Bà Hỏa” hoành hành
Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ cho biết, trong 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; thiêu thành tro số tài sản trị giá khoảng hơn 414 tỷ đồng.
Sang tháng 7, thời điểm có nhiệt độ trung bình cao và số ngày nắng nóng nhiều nhất trong năm, “bà Hỏa” hoạt động mạnh hơn cả, liên tiếp gây ra các vụ cháy lớn trên cả nước.
Chỉ điểm tin của TTXVN cũng đủ hình dung khá rõ bức tranh hỏa hoạn ở đỉnh điểm nắng nóng: An Giang – Cháy nhà lúc rạng sáng khiến hai mẹ con tử vong (ngày 1/7); Vụ cháy lớn trong Khu công nghiệp Phú Tài (ngày 3/7); Cháy lớn ở Bình Định (ngày 3/7); Hà Nội – Kịp thời dập tắt đám cháy, giải cứu một nam thiếu niên (ngày 4/7); Hà Nội – Cháy lớn trong đêm tại một nhà xưởng gần cây xăng (ngày 6/7); Lâm Đồng – Khu nhà kho chứa bao bì nông nghiệp bốc cháy dữ dội (ngày 10/7); Bắc Ninh – Cháy lớn tại chợ Đọ Xá, gây thiệt hại hơn 33 tỷ đồng (ngày 13/7); Quảng Ngãi – Cháy lớn gần cây xăng thiêu rụi 2 căn nhà liền kề (ngày 18/7); Đà Nẵng – Khống chế đám cháy tại kho hàng đường Hoàng Văn Thái (ngày 25/7); Cháy lớn ở Công ty Giấy Lửa Việt ở Phú Thọ gây thiệt hại 23 tỷ đồng (ngày 30/7).
Mới đây nhất là vụ cháy trong lúc sửa chữa ở quán karaoke ISIS tại đường Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào chiều 1/8, gây tổn thất lớn đối với lực lượng cứu hỏa – 3 sỹ quan và chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy hy sinh.
Theo con số thống kê về hỏa hoạn trong 6 tháng năm 2022 thì tại thành thị xảy ra 482 vụ (chiếm 56,84%); tại nông thôn xảy ra 366 vụ (chiếm 43,16%). Cháy nhà dân chiếm tỷ lệ cao nhất với 322 vụ (37,97%); có 183 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (21,85%); 109 vụ cháy phương tiện giao thông (12,85%); 69 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (8,14%); 16 vụ cháy chung cư (1,89%)…
Trong số 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người trong 6 tháng đầu năm 2022 (chết 38 người, bị thương 6 người) thì chủ yếu xảy ra tại nhà dân (24 vụ, chiếm 85,7%; trong đó 21 vụ xảy ra tại nhà ở đơn lẻ và 3 vụ xảy ra tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).
* Nguyên nhân đã rõ – làm sao ngăn chặn?
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong số 545 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì có 398 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 46,93%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 89 vụ (chiếm 10,5%); do sự cố kỹ thuật 25 vụ (chiếm 2,95%)…
Con số thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an Việt Nam) khá trùng khớp với số liệu của Tổ chức An toàn điện Hoa Kỳ. Theo đó, sự cố về điện là nguyên nhân gây ra 51.000 vụ cháy mỗi năm ở nước này, khiến 500 người chết, 1.400 người bị thương và thiệt hại tới hơn 1,3 tỷ USD. Chủ yếu là bởi chập điện do dây dẫn bị hở hoặc sử dụng điện quá tải dẫn đến nổ cầu chì, cháy dây dẫn điện. Đặc biệt, các vụ cháy do điện chủ yếu diễn ra trong quá trình chủ nhà đang ngủ.
Mùa nắng nóng cũng là thời điểm các thiết bị điện làm mát không khí được sử dụng tối đa, dẫn đến tình trạng quá tải, chập cháy. Bởi vậy, chú ý đến việc sử dụng an toàn điện trong mùa nắng nóng là điều hết sức quan trọng.
Số vụ cháy gây chết người xảy ra nhiều ở thành thị và chủ yếu ở nhà dân tại nước ta có một nguyên nhân là ở các thành phố, thị xã phổ biến mô hình nhà ống với một lối ra, vào duy nhất, sử dụng cửa cuốn và ban công bị bịt khung kim loại, trở thành “chuồng cọp”. Kiểu nhà loại này được gọi là “nhà không lối thoát” khi bước vào mùa nắng nóng, cũng là “mùa hỏa hoạn”.
Cấu trúc nhà ống hiện đại thường chỉ thiết kế duy nhất một cửa ra, vào dưới tầng một. Điều này là do ba bề là những căn nhà khác san sát nên không có cửa hông. Khi có hỏa hoạn, nhà ống cũng rất khó lưu thông được không khí, dẫn đến khói độc không thoát ra ngoài. Nạn nhân mắc kẹt nhanh chóng bị ngạt khói.
Cửa cuốn đã trở nên quen thuộc đối với các kiểu kiến trúc nhà hiện đại. Thiết kế cửa cuốn vừa tiện lợi vừa thời thượng, lại có khả năng chống trộm cao hơn các loại cửa khác. Tuy nhiên, tiềm ẩn bên trong đó là những hiểm họa khôn lường. Cửa cuốn hiện nay được chia làm hai loại: Cửa tự động chạy bằng điện và cửa cuốn kéo tay. Trong đó, cửa cuốn tự động lại phụ thuộc vào việc có nguồn điện. Vì thế, khi có hỏa hoạn gây hư hỏng hệ thống điện trong nhà thì cửa sẽ không thể hoạt động. Cửa cuốn tự động được trang bị bộ phận dự phòng, cho phép chủ nhà mở bằng tay. Tuy nhiên, để dùng tay mở loại cửa này sẽ không dễ dàng và khá tốn sức lực. Do đó, khả năng cao là người trong nhà khó có thể kịp thời mở cửa để thoát ra khi có cháy.
“Chuồng cọp” là cửa sổ và ban công có lưới chắn an toàn. Ngày thường, “chuồng cọp” giúp ích rất nhiều cho việc đảm bảo an toàn chống trộm, tránh trường hợp người hoặc đồ vật rơi từ trên cao xuống. Tuy nhiên, ban công hay cửa sổ là những lối thoát khẩn cấp và hữu dụng. Đặc biệt là đối với các căn nhà ống thì ban công hay cửa sổ lại là đường thoát hiểm duy nhất khi xảy ra hỏa hoạn. Thế nhưng, “chuồng cọp” lại cản trở việc này.
Khắc phục nhược điểm nhà ống, cửa cuốn và “chuồng cọp” như thế nào? Nhà ống chỉ có một lối ra, vào; cửa cuốn chạy bằng điện khó mở khi có hỏa hoạn; cửa sổ, ban công thì bị bịt kín để chống trộm và đề phòng trẻ nhỏ bị ngã. Bởi vậy, để vừa chống trộm, bảo vệ trẻ em lại vừa an toàn khi có cháy thì cần sử dụng những tấm lưới chắn cửa sổ, ban công có thể mở ra được khi cần thiết và mọi thành viên trong gia đình phải biết điều này. Bên cạnh đó là việc sở hữu và sử dụng thành thạo loại dây thoát hiểm tự động đạt chuẩn đã được cơ quan chức năng kiểm định và cho phép lưu hành.
Trong những tháng nắng nóng còn lại cũng như từ nay đến cuối năm, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ là tập trung chỉ đạo, đôn đốc công an địa phương thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với chợ, trung tâm thương mại; đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy cơ sở chế biến gỗ, cơ sở sản xuất cao su; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các sự kiện chính trị, lễ hội lớn của đất nước; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiệu quả các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn…Trở lại với vụ hỏa hoạn ở quán karaoke trên đường Quan Hoa (Hà Nội) vào ngày 1/8. Người dân cả nước hết sức đau lòng về sự hy sinh trong thời bình của ba sỹ quan, chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy của Công an quận Cầu Giấy. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng trong việc cấp giấy phép hoạt động cũng như giấy phép sửa chữa quán karaoke ISIS, về trình độ chuyên môn cũng như đòi hỏi trong tương lai về việc cấp giấy hành nghề đối với các thợ hàn, về trách nhiệm kiểm tra, giám sát thợ từ phía chủ quán và người quản lý quán…./.
Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm