Đẩy nhanh tốc độ lưu thông
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cảng Hải Phòng là một trong những cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất miền Bắc, trước đó gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Để giải quyết vấn đề này, ngày 11/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất với chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thực hiện giảm phí đường bộ 30% cho các phương tiện (loại 2 trở lên) lưu thông trên tuyến từ ngày 12/8/2021.
“Điều này sẽ giúp giảm ùn tắc trên Quốc lộ 5, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu không bị ngừng trệ. Thêm vào đó, việc giảm phí cũng góp phần chia sẻ chi phí với các đơn vị vận tải và thu hút các phương tiện chuyển hướng lưu thông từ Quốc lộ 5 sang cao tốc Hà Nội – Hải Phòng”, ông Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá.
Trong khi đó, để giảm nhiệt cho khu vực vận tải hàng hóa tại khu vực phía Nam, đặc biệt là việc ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sau khi có sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như thực hiện các giải pháp đồng bộ nên đến nay lượng hàng tồn ở cảng Cát Lái đã trở về mức an toàn thay vì ùn ứ, có dấu hiệu quá tải hàng nhập so với khoảng một tuần trước đó.
Đối với vận tải đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị và cục quản lý chuyên ngành, đặc biệt là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện tuyến “luồng xanh” đường thuỷ phục vụ vận tải hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy liên tỉnh và tuyến đường thuỷ địa phương.
Dự kiến trong một vài ngày tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương công bố các tuyến “luồng xanh” đường thủy liên tỉnh. Sở Giao thông Vận tải địa phương công bố “luồng xanh” đường thủy tại địa phương.
Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cũng vừa yêu cầu tại cấp cục, chi cục hải quan thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như: vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm… do lãnh đạo cục, chi cục làm Tổ trưởng. Đồng thời, triển khai ngay một số như: tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thực hiện ngay thủ tục hải quan đối với các lô hàng xuất nhập khẩu.
Thời hạn hoàn thành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa không được vượt quá thời hạn quy định, không quá 2 giờ đối với kiểm tra hồ sơ và không quá 8 giờ đối với kiểm tra thực tế hàng hóa.
Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan cấp chi cục thực hiện tiếp nhận, xử lý 24/7 các vướng mắc của người khai hải quan liên quan đến thủ tục hải quan đảm bảo hỗ trợ, giải quyết thông quan nhanh hàng hoá xuất nhập khẩu theo đúng quy định.
Gỡ khó cho tiêu thụ nông sản, xuất khẩu gạo
Trước bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài khiến các hợp tác xã nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, lượng hàng tồn kho lớn lên tới hàng chục triệu tấn, chi phí đầu vào tăng nhưng tài chính của hợp tác xã và nông dân lại hạn chế, ông Lê Trường Sơn – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh Hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố hỗ trợ phân phối các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được. Đồng thời, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ liên kết thông tin, tăng tiêu thụ nông sản địa phương.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, sàn thương mại điện tử này sẽ phân tích, đánh giá nhu cầu, năng lực của các hợp tác xã, đề xuất giải pháp về công nghệ và phương án triển khai phù hợp. Qua đó, xây dựng nền tảng công nghệ; đề xuất mô hình quản lý, vận hành phù hợp cũng như triển khai thử nghiệm, đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai trên quy mô toàn quốc. Đặc biệt, sàn thương mại điện tử này sẽ được triển khai xây dựng từ quý IV/2021, đưa vào vận hành thử nghiệm từ quý III/2022.
Trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang gặp nhiều khó khăn và chưa thể tiếp tục thu mua lúa cho nông dân khi mà việc áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài dẫn tới công suất hoạt động giảm, lượng gạo tồn kho cao do chưa xuất khẩu được vì vướng khâu lưu thông tại các cảng là những khó khăn. Về vấn đề này, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung tháo gỡ 3 khía cạnh vướng mắc hiện nay về sản xuất, lưu thông và xuất khẩu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động xây dựng quy trình “3 tại chỗ” phù hợp với tình hình của từng đơn vị và từng địa phương. Riêng vấn đề test COVID-19, Tổ công tác đặc biệt sẽ kiến nghị tạo các điểm test nhanh tại chỗ để giúp tăng tốc độ lưu thông cho doanh nghiệp.
Đại diện Tổ công tác đặc biệt cũng đề xuất, doanh nghiệp gạo cần tham khảo kinh nghiệm của các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp bình ổn thị trường nhằm chủ động trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lưu thông phân phối hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước; liên hệ chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành, Sở Công Thương và chính quyền địa phương.
Nhằm tăng quy mô sản xuất, sẵn sàng cung ứng thực phẩm cho phía Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng đã làm việc trực tuyến với tỉnh Hải Dương và Bắc Giang về sản xuất cung ứng nông sản thiết yếu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khả năng sau dịch COVID-19, khu vực phía Nam sẽ thiếu nông sản nên cần chuẩn bị sản xuất để có thể cung ứng cho các địa phương phía Nam. Do đó, các lĩnh vực phải có kế hoạch sản xuất và “đi trước đón đầu”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chính sự đóng góp lớn của các địa phương sản xuất nông nghiệp mạnh như Hải Dương, Bắc Giang nên toàn ngành nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, hai địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư nông nghiệp cho sản xuất v
à có phương án mở rộng diện tích, tăng quy mô đàn, sử dụng giống chất lượng để tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.
Theo Báo Tin Tức