BNEWS Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn hóa chất Việt Nam – Vinachem) dự kiến đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu trong quý IV/2021; lũy kế cả năm đạt 3.696 tỷ đồng, tăng 51% so với kế hoạch.
Theo ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem, trong quý cuối năm, công ty phấn đấu sản lượng đạt 90 nghìn tấn urê, lũy kế năm 2021 đạt 437 tỷ nghìn tấn, tăng 22% so với kế hoạch. Dự kiến sản lượng tiêu thụ đạt 95,5 nghìn tấn urê, lũy kế năm 2021 đạt 438 nghìn tấn, tăng 25% so với kế hoạch.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Phùng Quang Hiệp cho biết công ty sẽ tập trung điều hành toàn bộ dây chuyền vận hành với phụ tải bám sát kế hoạch đã đề ra; đồng thời, nghiên cứu lập phương án xử lý triệt để một số thiết bị chính để ổn định vận hành sản xuất. Công ty đẩy mạnh quản lý chặt việc tiếp nhận than, nguyên liệu vật liệu đầu vào đảm bảo chất lượng, số lượng theo đúng yêu cầu.
Về phần tiêu thụ, công ty chủ động chính sách bán hàng chờ mùa vụ phù hợp với yêu cầu của khách hàng để đẩy lượng sản xuất vào thị trường, giữ trước chân hàng; xây dựng cơ chế bán hàng với giá bán phù hợp để tận dụng tối đa khả năng tiêu thụ urê trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu.
Ông Hiệp cũng khẳng định công ty sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, kiểm soát, điều hành dòng tiền, giảm thiểu các khoản nợ xấu; xây dựng phương án dòng tiền hiệu quả, đảm bảo mục tiêu huy động vốn đủ cho sản xuất kinh doanh.
Đối với kết quả sản xuất – kinh doanh quý III/2021, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động đều đạt mức tăng trưởng tốt hơn từ 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Với tình hình hiện tại đến hết tháng 10/2021, công ty sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất mà Vinachem giao.
Trong quý III/2021, hệ thống sản xuất ổn định với phụ tải trung bình đạt 85% đối với NH3 và 84% đối với urê. Bình quân 9 tháng năm 2021, phụ tải đạt 85%.
Với kết quả sản xuất, kinh doanh quý III và 9 tháng qua, bước đầu, đã cho kết quả tốt với 4 mục tiêu ban đầu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch, đó là “chạy máy đảm bảo ổn định, an toàn, giảm được lỗ và có lãi”.
Đánh giá diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn hết sức phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh lưu ý lãnh đạo Vinachem và lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cần phải nỗ lực hơn nữa để đưa Tập đoàn và công ty vượt qua khó khăn hiện nay.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng giao nhiệm vụ cho Công ty Đạm Ninh Bình phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” và các văn bản chỉ đạo khác liên quan, đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để sớm giải quyết khó khăn.
Theo đó, công ty cần chủ động xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp sản xuất kinh doanh, như: quản trị mua vật tư nguyên liệu, quản trị sản xuất, bán hàng… đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tiết giảm chi phí. Tuy nhiên vẫn phải duy trì quan hệ với các khách hàng sẵn có và tiếp tục tìm hiểu đối tác và thị trường mới.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng gợi mở, Công ty cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách tương tác với nhân viên, với khách hàng, với thị trường thông qua công nghệ số.
“Đồng thời, cần xây dựng kịch bản, bám sát thông tin về tình hình dịch bệnh để kịp thời tiếp cận thị trường ngay khi tình hình khởi sắc. Tình hình dịch bệnh khiến các sản phẩm nhập khẩu vào nước ta khó hơn thì cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước”- ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty giai đoạn 2012 – 2020, ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho biết, công ty đã từng bước làm chủ công nghệ sau khi nhận bàn giao nhà máy, chạy máy ổn định ở phụ tải 85%. Đến tháng 11/2013, nhà máy đã tăng tải hệ thống lên 100% công suất thiết kế, urê sản xuất đảm bảo chất lượng. Trong đó có thời điểm hệ thống thiết bị nhà máy đã vận hành đến 105% công suất thiết kế.
Về một số chỉ tiêu kinh tế chính trong giai đoạn 2012–2020, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 17.100 tỷ đồng; sản phẩm sản xuất và tiêu thụ xấp xỉ 2,5 triệu tấn urê quy đổi; tổng doanh thu đạt hơn 17.275 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện đảm bảo chế độ chính sách, bảo hiểm cho người lao động. Thu nhập của người lao động ổn định, đạt mức khá so vói các đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, xấp xỉ từ 7,5 – 8 triệu đồng/người/tháng./.
Theo BNews/