Nhiều chuyên gia cho rằng, phân bón trong nước hoàn toàn không thiếu nguồn cung, tuy nhiên, để giảm chi phí đầu vào và đảm bảo đủ phân bón cho sản xuất, người dân vẫn cần những giải pháp để sử dụng phân bón một cách hợp lý hơn.
Giá phân bón còn tăng
Khảo sát trên thị trường thời gian qua, giá phân bón đã liên tục tăng mạnh. Hiện phân đạm Cà Mau và Phú Mỹ có giá từ 820.000 – 850.000 đồng/bao 50 kg, đã tăng khoảng 80.000 đồng/bao so với đầu tháng 10. Phân đạm Ninh Bình có giá từ 820.000 – 840.000 đồng/bao, tăng 70.000 – 80.000 đồng/bao so với 1 tuần trước.
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp của người dân bởi phân bón chiếm từ 20 – 25% chi phí sản xuất.
Lý giải giá phân bón tăng, ông Phùng Hà cho biết có nhiều yếu tố, như giá dầu thế giới liên tục tăng cao, giá cước vận tải và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Giá dầu hiện nay khoảng 84 USD/thùng, cao hơn cuối năm 2020 khoảng 70%. Giá dầu tăng kéo theo giá khí – nguyên liệu sản xuất ammoniac và lưu huỳnh để sản xuất phân Ure, DAP… Ngoài ra, do giá nguyên nhiên liệu tăng, Trung Quốc cũng đã giảm công suất, dừng xuất khẩu phân bón để ưu tiên thị trường nội địa. Điều này ảnh hưởng lớn tới một số loại phân bón của Việt Nam như DAP, MAP…
Dự báo giá phân bón trong nước có thể tiếp tục đà tăng trong thời gian tới, bởi những tác động khách quan từ giá dầu, nguyên nhiên liệu sản xuất cũng như giá nhập khẩu phân bón, ông Phùng Hà dự báo.
Cũng theo dự báo của Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, phân bón đang ở chu kỳ tăng giá và dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao đến hết năm. Bởi nguồn cung trên thế giới và khu vực đang thiếu hụt, các chi phí, nguyên liệu sản xuất đều tăng giá mạnh.
Đảm bảo đủ phân bón
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 9 tháng năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón trong nước đạt gần 5,7 triệu tấn, đã tăng gần 235.000 tấn, tương đương tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng đó, Việt Nam 9 tháng qua đã nhập khẩu gần 3,9 triệu tấn phân bón, tăng hơn 823.000 tấn, tương đương tăng gần 27% so với cùng kỳ 2020.
Như vậy, với lượng phân bón hàng năm khoảng 11 triệu tấn, ông Phùng Hà nhận định, hoàn toàn không lo thiếu phân bón cung ứng cho thị trường trong nước. Đặc biệt, với phân bón DAP, MAP, các nhà máy DAP trong nước có thể tăng công suất để đảm bảo năng lực sản xuất theo thiết kế.
“Việt Nam hiện có 3 nhà máy DAP gồm DAP Lào Cai và DAP Hải Phòng với công suất mỗi nhà máy là 330.000 tấn/năm. Nếu 3 nhà máy này sản xuất hết công suất cũng có thể gần đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về DAP” – TS Phùng Hà cho hay.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay, tập đoàn đã chủ động các giải pháp để bình ổn thị trường, tập trung tối đa cho sản xuất, hạn chế và thậm chí là dừng xuất khẩu để phục vụ tối đa cho thị trường trong nước.
Có thể nhận thấy, ngoài việc đảm bảo nguồn cung phân bón, các doanh nghiệp trong nước cũng đã góp phần quan trọng trong việc cân bằng giá phân bón, làm giảm đà tăng giá. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều đã tăng sản lượng sản xuất phân bón để cung ứng, từ 15 – 30%, đảm bảo cung ứng phân bón đủ cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trung cho rằng, để đảm bảo không thiếu phân bón cho sản xuất, bản thân người dân cũng cần căn cứ tính chất cây trồng để sử dụng phân bón sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất, nếu có thể thì tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Đây chính là chương trình trong những năm vừa qua đã làm rất tốt, phân bón hữu cơ đã tăng từ mức 0,8 triệu tấn trước đây lên 2,63 triệu tấn trong năm 2020.
“Do vậy, người dân cần tiếp tục phát huy trong điều kiện hiện nay, sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn nữa trong thời gian tới bởi chúng ta có nguồn phụ phẩm phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ rất phong phú, từ phụ phẩm chăn nuôi, thủy sản…”, ông Trung nói.
Theo ông Hoàng Trung, nếu sử dụng tốt nguồn phân bón hữu cơ sẽ giúp cho người nông dân thay thế một phần phân bón vô cơ. Trong khi đó, phân bón hữu cơ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất cho nông nghiệp, đảm bảo độ tơi xốp và hàm lượng dinh dưỡng cho đất.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao do giá phân bón tăng thời gian qua, người dân cần áp dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”. Cụ thể là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; đồng thời tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế; trong đó lưu ý giảm lượng giống sạ, bón phân đúng theo quy trình, tận dụng các nguồn phân hữu cơ tại chỗ.
Theo Báo Tin Tức