Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines chứng kiến xu thế ca tử vong tăng trở lại. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 200 ca bệnh mới và chỉ có 12 ca tử vong.
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 8/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 91 trường hợp. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng tăng nhẹ, với trên 4.500 trường hợp, trong khi có 58 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 999 ca bệnh và 18 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế đi ngang.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 8/11 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 39 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 68 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên.
Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Indonesia tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng
Ngày 8/11, Chính phủ Indonesia đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 bên ngoài hai hòn đảo Java và Bali đông dân thêm hai tuần, từ ngày 9/11 đến ngày 22/11 tới.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế đồng thời là Điều phối viên PPKM bên ngoài Java và Bali, ông Airlangga Hartarto, cho biết quyết định trên được đưa ra bất chấp tình hình dịch bệnh tiếp tục được cải thiện.
Tính đến thời điểm này, không còn tỉnh nào trong số 27 tỉnh bên ngoài đảo Java và Bali triển khai PPKM cấp độ 3 hoặc 4. Hiện chỉ có 5 tỉnh áp dụng PPKM cấp độ 2 và 22 tỉnh triển khai PPKM cấp độ 1. Trên quy mô cấp huyện và thành phố, cũng không còn địa phương nào áp dụng PPKM cấp độ 4 và 151 địa phương triển khai PPKM cấp độ 1.
Indonesia bắt đầu áp dụng PPKM cấp độ 1-4 vào ngày 3/7 vừa qua và đã kéo dài thời gian áp dụng biện pháp phòng dịch này tổng cộng 12 lần. Chính phủ nước này khẳng định sẽ tiếp tục đánh giá và điều chỉnh PPKM cấp độ 1-4 tại tất cả các vùng dựa trên một số chỉ tiêu như số ca mắc mới và tử vong, số lượng bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà, tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở được chỉ định điều trị bệnh nhân COVID-19, mức độ xét nghiệm và truy vết, và tỷ lệ bao phủ vaccine.
Số ca mắc COVID-19 bắt đầu xu hướng giảm kể từ đầu tháng 8 vừa qua. Kể từ ngày 29/9, Indonesia không ghi nhận số ca mắc mới vượt quá 2.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia vẫn tiếp tục đề cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ ba dự báo trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Singapore nới lỏng quy định cách ly đối với du khách Việt Nam và một số nước
Singapore sẽ thiết lập thêm làn đi lại dành cho người đã tiêm vaccine (VTL) với 3 quốc gia, đồng thời nới lỏng một số biện pháp kiểm soát đường biên giới đối với một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, dựa trên đánh giá thực tế tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các quốc gia này.
Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 8/11, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 của Singapore cho biết nước này sẽ thiết lập thêm làn VTL với 3 quốc gia gồm Malaysia, Phần Lan và Thụy Điển, bắt đầu từ 29/11 tới đây. Hiện Singapore đã thiết lập VTL với 13 quốc gia, và những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine di chuyển qua đường VTL sẽ không phải cách ly. Thay vào đó, họ sẽ chỉ phải xét nghiệm COVID-19 trước khi xuất cảnh 48 tiếng và được xét nghiệm lại khi nhập cảnh vào Singapore.
Đồng thời, xét tình hình dịch COVID-19 biến chuyển tích cực tại một số quốc gia, Singapore đã nới lỏng các yêu cầu cách ly với người nhập cảnh đến từ 14 quốc gia, trong đó có 4 nước ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Campuchia bắt đầu từ ngày 12/11 tới đây.
Thái Lan vượt mốc tiêm 80 triệu liều vaccine
Tại Thái Lan, số liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm tại Thái Lan đã vượt mốc 80 triệu, với 65,4% dân số được tiêm ít nhất một mũi, trong khi số ca mắc mới tiếp tục chiều hướng giảm.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkonghchana ngày 8/11 cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ hài lòng với tiến độ tiêm chủng. Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 hiện nay tiếp tục có những dấu hiệu cải thiện. Thông tin mới nhất trên trang web Bloomberg tính đến 8/11 cho thấy Thái Lan đứng thứ 18 trên thế giới và thứ 3 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tỷ lệ tiêm chủng, trong khi các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới hiện nay là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và Indonesia.
Dữ liệu y tế vào ngày 8/11 cho thấy 80.484.427 liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng ở Thái Lan, tiêm cho khoảng 65,4% dân số. Bloomberg dự đoán nếu Thái Lan tiếp tục duy trì tốc độ tiêm chủng hiện tại là khoảng 600.000-800.000 liều/ngày thì trong vòng một tháng, hơn 75% dân số sẽ được tiêm mũi đầu tiên và điều này phù hợp với việc đất nước mở cửa trở lại theo chính sách “nhập cảnh thông minh”.
Lào tăng chỉ tiêu bao phủ vaccine sau khi đạt mục tiêu tiêm cho 50% dân số trưởng thành
Để nhanh chóng mở cửa trở lại đất nước, phục hồi nền kinh tế và thích ứng với đại dịch, sau khi hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 50% dân số trưởng thành, Chính phủ Lào đang phấn đấu tăng tỷ lệ này lên ít nhất 70% vào cuối năm 2021.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa IX của Lào đang diễn ra, Thủ tướng Phankham Viphavan cho biết Lào đã hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số trưởng thành và hiện đang nỗ lực nâng tỷ lệ này lên ít nhất 70% vào cuối năm
Trong diễn biến có liên quan, Bộ Y tế Lào cho biết đang khảo sát và tham vấn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc mở rộng đối tượng tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 786 ca mắc mới COVID-19, giảm 290 ca so với ngày hôm qua, trong đó, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục dẫn đầu cả nước với 314 ca cộng đồng.
Tính đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 47.842 ca, trong đó có 86 người tử vong.
Theo Báo Tin Tức