Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 33.145 ca mắc mới COVID-19 và 392 ca tử vong (có 4 quốc gia không cập nhật dữ liệu). Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 12.338.855 trường hợp và 262.210 ca tử vong. Toàn khối có 11.559.608 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Việt Nam ghi nhận 134 ca; Thái Lan báo cáo 92 ca; Indonesia thêm 77 ca, Malaysia ghi nhận 76 ca tử vong, Campuchia thêm 12 ca và Timor Leste thêm 1 ca.
Các quốc gia gồm Malaysia, Singapore, Myanmar, Lào không cập nhật dữ liệu mới tính đến cuối ngày 5/10.
Với 9.869 ca nhiễm trong ngày 5/10, Thái Lan đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 1.657.231 ca, bao gồm 17.203 ca tử vong.
Philippines đứng thứ hai với 9.055 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.613.070 trường hợp, bao gồm 38.828 ca tử vong. Malaysia cùng ngày ghi nhận 8.069 ca nhiễm mới, nâng tổng trường hợp mắc COVID-19 lên 2.285.640.
Indonesia chỉ ghi nhận 1.404 ca nhiễm trong ngày, nhưng nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.221.610 trường hợp và 142.338 ca tử vong.
Campuchia: Trên 84% tổng dân số và trên 99% dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi vaccine
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Campuchia cho biết, tính đến ngày 4/10, hơn 13,5 triệu người, tương đương 84% trong tổng số dân khoảng 16 triệu người của Campuchia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 quy mô lớn từ ngày 10/2 đến nay, 99,13% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành và 89,68% trên gần 2 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi đã tiêm phòng COVID-19. Hiện chỉ còn khoảng 15.000 người trưởng thành tại Campuchia chưa được tiêm vaccine và 72.130 người khác không đủ điều kiện để tiêm chủng vì lý do sức khỏe.
Đối với gần 1,9 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi, tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 đã đạt 93,66%. Bên cạnh đó, hơn 907.000 người đã được tiêm mũi tăng cường thứ ba.
Cùng với bước tiến lớn của chiến dịch tiêm phòng, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia tiếp tục ở mức thấp trong ngày thứ 5 liên tiếp. Sau 7 ngày liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 liên tục ở trên mức 800 ca/ngày, số ca mắc mới bắt đầu giảm từ ngày 1/10 khi Campuchia áp dụng cách đếm số ca COVID-19 bằng kết quả xét nghiệm PCR.
Trong thông cáo ngày 5/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 12 ca tử vong và 228 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 3 ca nhập cảnh và 225 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 113.703 ca mắc COVID-19, trong đó 105.350 người đã khỏi bệnh và 2.418 người tử vong.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 giảm, song giới quan sát lo ngại dịch bệnh sẽ gia tăng trở lại sau dịp nghỉ Lễ Pchum Ben kéo dài từ ngày 5-7/10. Chính quyền Phnom Penh thông báo tất cả hành khách di chuyển bằng taxi, xe buýt, ô tô riêng và xe gắn máy đều phải đeo khẩu trang khi ra vào thủ đô.
Malaysia: Ca tử vong lần đầu giảm xuống 2 con số kể từ tháng 7
Trong thông báo ra ngày 5/10, Bộ Y tế Malaysia cho biết lần đầu tiên kể từ tháng 7, số ca tử vong của nước này giảm xuống còn 2 con số, xuống còn 76 ca. Hiện tổng số ca tử vong của nước này là 26.759 trong tổng số 2.285.640 ca nhiễm.
Theo hãng thông tấn Bernama, số ca phục hồi tại Malaysia hiện đang cao gần gấp đôi ca nhiễm mới. Ngày 5/10, nước này có 15.615 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, trong khi ca nhiễm mới là 8.817 ca. Trong số này, 97,9% là các trường hợp nhẹ ở cấp độ 1-2, chỉ 2,1% người nhiễm là ở cấp độ nặng tới nghiêm trọng (từ 3-5). Malaysia xếp mức độ 1 và 2 là các trường hợp không có triệu chứng và có triệu chứng nhẹ; trong khi 3 cấp độ tiếp theo lần lượt là: bệnh nhân bị viêm phổi; cần oxy; và cấp độ 5 là yêu cầu máy thở.
Dịch tiến triển tốt, Indonesia thử nghiệm sống chung
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây, cho phép nước này mạnh dạn thử nghiệm sống chung với dịch bệnh. Ngày 4/10, Indonesia đã ghi nhận ca mắc mới lần đầu tiên xuống dưới 1.000 ca, mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Theo dữ liệu của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 của Indonesia, số ca mắc Covid-19 của quốc gia này đã giảm 98% so với đỉnh điểm hồi tháng 7/2021.
Diễn biến khả quan đã cho phép Indonesia mạnh dạn thử nghiệm các kế hoạch sống chung. Một trong số đó là đưa thí điểm cuộc sống trở lại bình thường ở thành phố Blitar, Đông Java từ tuần tới.
Tờ Straits Times (Singapore) cho biết kế hoạch trên được triển khai sau khi Indonesia đã kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19 gần đây nhất. Số ca mắc mới trung bình 7 ngày đạt mức cao điểm vào giữa tháng 7 với 50.000 trường hợp. Con số này nay đã giảm xuống còn 1.700 trường hợp. Tỷ lệ tử vong cũng đi theo đà giảm khi ở mức cao điểm là 1.700 ca trung bình 7 ngày vào đầu tháng 8 xuống 100 ca trong những ngày gần đây.
Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, nhấn mạnh rằng việc tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt là vẫn cần thiết và những công dân tham gia vào các hoạt động xã hội cần phải được tiêm đủ vaccine COVID-19.
Ngày 4/10, chính phủ Indonesia tiếp tục gia hạn Giới hạn hoạt động cộng đồng thêm 14 ngày với nhiều nới lỏng. Nhiều khu vực được giảm mức giới hạn, rạp chiếu phim, nhà hàng được phép mở cửa đi cùng với sàng lọc thông qua ứng dụng y tế.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Indonesia đạt nhiều tiến triển, hiện đứng thứ 5 trên thế giới. Tính đến ngày 4/10, 94 triệu người Indonesia đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và 54 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine trong tổng mục tiêu tiêm chủng cho hơn 208 triệu dân vào năm 2022. Trước đó, Indonesia đã trải qua làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất Châu Á với đỉnh điểm lên tới hơn 50.000 ca mắc mỗi ngày vào giữa tháng 7/2021.
Chính phủ Indonesia đã quyết định mở cửa trở lại đảo du lịch Bali cho du khách từ một số quốc gia vào ngày 14/10 tới đây sau hơn 1 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Thái Lan triển khai tiêm vaccine cho lao động nhập cư
Ngày 5/10, Hiệp hội Chữ thập đỏ Thái Lan khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động nhập cư, một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở nước này.
Chiến dịch dự kiến kéo dài đến cuối tháng 10 và có khoảng 5.000 người được tiêm chủng trong đợt này. Đến nay, khoảng 300 người lao động nhập cư và một số ít người tị nạn không có giấy tờ tại Thái Lan đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết Hiệp hội Chữ thập đỏ Thái Lan đã dành ra 10.000 liều trong số 100.000 liều vaccine của hãng Sinopharm do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc tặng để tiêm đủ hai mũi cho 5.000 người lao động nhập cư. Số còn lại được phân bổ tiêm cho những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác, trong đó có người khuyết tật.
Dữ liệu chính thức của Chính phủ Thái Lan cho thấy hiện nước này có khoảng 2,35 triệu người nhập cư có giấy phép làm việc. Tuy nhiên, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính con số này lên đến 4-5 triệu người.
Theo Báo Tin Tức