Trong ngày 3/10, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Philippines với 13.273 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.593.399 ca.
Thái Lan đứng thứ 2 ASEAN về ca mắc trong ngày 3/10 với 10.828 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.637.432 ca.
Đứng số 3 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia 9.066 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.277.565 ca mắc COVID-19.
Tiếp đó là Việt Nam với 5.376 ca, Singapore với 2.356 ca, Indonesia với 1.142 ca mắc, Lào với 301 ca, Campuchia với 199 ca, Brunei với 148 ca và Timor-Leste với 19 ca.
Về số ca tử vong, có 9 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (114 ca), Philippines (112 ca), Malaysia (109 ca), Thái Lan (77 ca), Indonesia (58 ca), Campuchia (23 ca), Singapore (4 ca), Lào (2 ca) và Brunei (1 ca).
Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 thấp nhất trong gần 3 tháng
Ngày 3/10, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận thêm 9.066 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày thấp nhất tại Malaysia trong gần 3 tháng qua kể từ ngày 12/7 ghi nhận 8.574 ca, đồng thời cũng là lần đầu tiên trong gần 3 tháng số ca nhiễm mới về mức 4 con số.
Bang Sarawak vẫn là địa phương đứng đầu Malaysia về số ca nhiễm mới, với 1.418 ca, nhưng đây cũng là mức thấp nhất bang này ghi nhận trong 45 ngày qua. Một số địa phương khác như bang Johor, Penang, Kelantan và Perak cũng ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới thấp nhất trong khoảng 2 tuần.
Đến nay Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.277.565 ca nhiễm COVID-19.
Lào duy trì nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt tại thủ đô Viêng Chăn
Bộ Y tế Lào ngày 3/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 301 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 296 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 25.217 trường hợp.
Thông báo của Bộ Y tế Lào cho biết, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại thủ đô Viêng Chăn khi ghi nhận 150 ca cộng đồng trong một ngày. Đáng chú ý, các ca nhiễm COVID-19 tại thủ đô xuất hiện rải rác tại 7/9 quận khiến số bản được qui định là vùng đỏ tăng lên 158 bản. Ngoài ra, Bộ Y tế Lào cũng thông báo ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 22 trường hợp.
Trước tình hình trên, thủ đô Viêng Chăn vừa có thông báo về việc tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 cho đến ngày 15/10. Theo đó, thủ đô vẫn duy trì một số trạm kiểm soát để đảm bảo việc đi lại đúng theo quy định và thúc đẩy việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Thông báo cũng nêu rõ, mọi hoạt động không thiết yếu, bao gồm cả nhà máy, văn phòng trong vùng đỏ đều phải tạm ngừng; trong khi đó quán ăn chỉ được bán đem về; cấm đi lại trong vùng đỏ; cấm tụ tập đông người trái phép, áp lệnh giới nghiêm từ 21h hàng ngày; đóng cửa các trường học trên địa bàn…
Ngoài ra, ở ngoài vùng đỏ, các siêu thị, cửa hàng, chợ thực phẩm có thể mở cửa từ 9h sáng đến 20h; quán cắt tóc và làm đẹp cũng được mở lại nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng ngừa lây nhiễm… Các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch đã được khuyến cáo để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore vượt mốc 100.000 ca
Bộ Y tế Singapore thông báo tổng số ca bệnh ở đảo quốc này kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay đã vượt mốc 100.000, lên 101.786 ca. Tuy vậy, với thêm 2.356 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới đã lần đầu giảm sau 4 ngày liên tục tăng cao.
Kênh Channel News Asia dẫn thông báo của Bộ Y tế cho biết trong tổng số ca mắc mới, có 1.938 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, bộ này ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19, đều là công dân Singapore, từ 55 đến 80 tuổi, chưa tiêm phòng COVID-19 và có các bệnh lý nền. Như vậy, tổng số ca tử vong của Singapore từ đầu dịch hiện tăng lên thành 107 ca. Tỷ lệ tử vong của Singapore hiện thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Cũng theo Bộ Y tế Singapore, hiện có 1.422 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó 243 trường hợp bệnh nặng phải thở oxy và 31 trường hợp nguy kịch phải điều trị tích cực (ICU). Đáng lưu ý, trong nhóm bệnh nặng có đến 233 người trên 60 tuổi – nhóm dễ tổn thương. Trong 28 ngày qua, tỷ lệ ca bệnh không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nước này là 98,2%. Trong số các ca cần thở oxy và ca ICU, 50,6% đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 49% chưa tiêm hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi. Có thể thấy tỷ lệ người tiêm vắc xin đầy đủ mắc bệnh nặng chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số ca nhiễm, và nhỉnh hơn một chút nếu tính cả số người đã tiêm 1 mũi.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong – đồng chỉ huy lực lượng đặc trách liên bộ chống COVID của Singapore – kêu gọi người dân không hoang mang, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ tiêm chủng tại nước này cao “nên không cần dồn mọi sự chú ý vào số ca nhiễm”. Ông khẳng định giới chức Singapore “đang dồn lực cho các ca bệnh nặng và đảm bảo hệ thống y tế đủ khả năng chăm sóc họ. Các quy trình và giao thức cần phải thay đổi, cần bổ sung thêm công suất cho bệnh viện. Tất cả cần thời gian nên chúng tôi mới đưa ra các biện pháp giãn cách trong khi chờ mọi thứ sẵn sàng”.
Tính đến ngày 1/10, 85% dân số Singapore đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 82% đã tiêm phòng đầy đủ. Giới phân tích nhận định, các biện pháp chống dịch hiệu quả và việc tiếp cận sớm với vaccine đã giúp Singapore giữ được tỉ lệ tử vong ở mức rất thấp so với trung bình thế giới, bất chấp việc ca nhiễm những ngày qua đều tăng 4 con số.
Theo Báo Tin Tức