Trang chủ » COVID-19 tại ASEAN hết 2/10: 262.210 người đã tử vong; Singapore nguy cơ 10.000 ca nhiễm/ngày;

COVID-19 tại ASEAN hết 2/10: 262.210 người đã tử vong; Singapore nguy cơ 10.000 ca nhiễm/ngày;

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 44.391 ca mắc mới COVID-19 và 534 ca tử vong (có 4 quốc gia không cập nhật dữ liệu). Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 12.226.470 trường hợp và 262.210 ca tử vong. Toàn khối có 11.303.936 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 7 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines và Việt Nam mỗi nước ghi nhận 164 ca; Indonesia báo cáo 89 ca; Thái Lan thêm 84 ca, Cambodia ghi nhận 24 ca tử vong, Brunei thêm 5 ca và Timor Leste thêm 1 ca.

Các quốc gia gồm Malaysia, Singapore, Myanmar, Lào không cập nhật dữ liệu mới tính đến cuối ngày 2/10.

Với 14.786 ca nhiễm trong ngày 2/10, Philippines đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 2.580.173 ca, bao gồm 38.656 ca tử vong.

Thái Lan đứng thứ hai với 11.375 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 1.626.604 trường hợp, bao gồm 16.937 ca tử vong. Malaysia cùng ngày ghi nhận 10.915 ca nhiễm mới, nâng tổng trường hợp mắc COVID-19 lên 2.268.499.

Indonesia chỉ ghi nhận 1.414 ca nhiễm trong ngày, nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.218.142 trường hợp và 141.115 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore có thể chạm mốc 10.000 ca COVID-19 mỗi ngày

Ông Alex Cook, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock của Singapore, cho biết dự đoán của ông cho thấy số ca nhiễm mới hàng ngày ở quốc đảo này sẽ vượt qua con số 5.000 vào tuần tới, và tăng gấp đôi vào tuần sau đó.

Những dự báo này đã nhấn mạnh tốc độ virus lây lan nhanh chóng trong nền dân số 5,45 triệu người của Singapore, mặc dù 82% trong số họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Hôm 1/10, Sinagpore ghi nhận kỷ lục 2.909 trường hợp mới.

Trong bối cảnh gia tăng các ca bệnh, một số chuyên gia y tế địa phương đang kêu gọi chính quyền ban hành các chỉ thị mới về việc giảm bớt xét nghiệm đối với những bệnh nhân không có triệu chứng. 

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore . Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, giới chức trách Singapore nhấn mạnh rằng tình trạng gia tăng ca mắc COVID-19 mới, mặc dù nằm ngoài mong muốn, nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn để đất nước này chuyển đổi theo hướng coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Để ngăn chặn làn sóng bùng phát hiện tại, chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long đã triển khai một loạt biện pháp hạn chế mới, trong đó có cấm tụ tập đông người và yêu cầu các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

Giảm thời gian cách ly với người nhập cảnh

Tại cuộc họp báo chiều 2/10, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 Singapore cho biết số ngày cách ly bắt buộc (tại nhà hoặc tại cơ sở cách ly) đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine theo danh mục của Tổ chức Y tế thế giới đến từ các nước rủi ro cao sẽ giảm từ 14 ngày xuống 10 ngày và lịch sử đi lại tại quốc gia khởi hành cũng giảm từ 21 xuống còn 14 ngày. 

Hiện tại, Singapore áp dụng các tiêu chí xét nghiệm, cách ly khác nhau với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine dựa trên việc phân chia các nước làm 4 nhóm, trên cơ sở thực trạng tình hình dịch bệnh tại quốc gia đó. Danh sách các nước thuộc các nhóm sẽ được điều chỉnh, cập nhật tùy theo diễn biến tình hình.

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 8/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhóm 1 hiện chỉ có Trung Quốc đại lục và các vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan, Ma Cao, theo đó người nhập cảnh chỉ phải xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi xuất cảnh và xét nghiệm PCR khi nhập cảnh Singapore mà không phải cách ly. 

Nhóm 2 hiện gồm 20 quốc gia, trong đó tại khu vực Đông Nam Á chỉ có Brunei. Những người nhập cảnh đến từ các quốc gia này đều phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, được yêu cầu xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi bay, xét nghiệm PCR khi nhập cảnh, cách ly 7 ngày tại nhà hoặc tại các cơ sở cách ly với chi phí 1.000 SGD (736 USD) và xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7.

Nhóm 3 (gồm 21 quốc gia) và nhóm 4 (tất cả các quốc gia còn lại, trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam) cơ bản áp dụng các biện pháp giống nhau, nhưng người đến từ các nước thuộc

Nhóm 4 buộc phải cách ly tại các cơ sở chỉ định. Tất cả người nhập cảnh phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, thời gian cách ly giảm từ 14 xuống 10 ngày, chi phí cách ly tại cơ sở chỉ định là 1.450 SGD. 
Những người đến từ các nước thuộc Nhóm 3 và 4 sẽ phải xét nghiệm PCR trước khi xuất cảnh 48 giờ, xét nghiệm PCR khi nhập cảnh Singapore, xét nghiệm nhanh ART vào ngày thứ 3 và thứ 7 (chi phí 20 SGD), xét nghiệm PCR vào ngày thứ 10. Chi phí xét nghiệm PCR tại sân bay Changi hiện ở mức 160 SGD.

Chú thích ảnh
Người dân Singapore đeo khẩu trang phòng dịch.Ảnh: Straits Times 

Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 1/11, những người có thẻ thường trú dài hạn (lao động, sinh viên) và người đi theo từ các nước thuộc nhóm các nước rủi ro cao (Nhóm 3-4) cũng được phép nhập cảnh nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Thái Lan: Tình hình dịch có chiều hướng khả quan hơn

Số ca tử vong do COVID-19 theo ngày tại Thái Lan đã giảm xuống dưới ngưỡng 100, trong khi số ca mắc với tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận cũng đang giảm. Bộ Y tế Thái Lan sáng 2/10 cho biết quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 87 trường hợp tử vong vì COVID-19 và 11.375 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Như vậy, kể từ đầu mùa dịch, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.626.604  ca mắc COVID-19, trong đó có 16.937 người không qua khỏi. 

Hầu hết các ca mắc mới và tử vong tại Thái Lan được ghi nhận trong làn sóng COVID-19 thứ ba kể từ đầu tháng 4 tới nay. Số ca mắc mới cao nhất theo ngày từng được ghi nhận là 23.418 vào 13/8, trong khi số ca tử vong theo ngày cao nhất được ghi nhận vào ngày 18/8 với 312 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết trong buổi thông báo tin tức chiều 1/10 rằng các ca mắc mới ở Bangkok và các tỉnh lân cận đang giảm xuống, đặc biệt là ở thủ đô.  Trong khi đó, các ca lây nhiễm ở các tỉnh miền Nam lại tăng lên, từ mức 15% số lượng các ca mắc mới trên toàn quốc lên 17%.
Bà Apisamai cho biết số ca mắc mới ở miền Nam nước này xuất phát từ việc người dân không đeo khẩu trang và một số quán ăn đã vi phạm lệnh cấm uống rượu và giờ đóng cửa lúc 10h đêm tại một số khu vực ở nhiều tỉnh trong vùng.

Thái Lan dự kiến sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho học sinh vào đầu tuần tới. Hiện đã có ít nhất 3,68 triệu học sinh nộp đề nghị được tiêm vaccine của hãng Pfizer. Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch cung cấp loại vaccine này cho 70% học sinh các trường trung học và dạy nghề vào cuối tháng này trước khi các em trở lại lớp học vào tháng 11.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) gần đây đã phê duyệt việc tiêm vaccine của hãng Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và cũng đang cân nhắc đề xuất tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ em trên 3 tuổi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 29/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Mở cửa đảo Phuket cho mọi du khách đã tiêm chủng đầy đủ

Chính phủ Thái Lan thông báo bất kỳ du khách nước ngoài nào đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 hiện đều có thể đi du lịch Phuket – hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của nước này. Động thái được cho là nhằm cứu vãn ngành du lịch của Thái Lan vốn chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch gây ra.

Thái Lan đã triển khai mô hình “hộp cát” vào tháng 7, trong đó cho phép những du khách đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến từ những quốc gia có nguy cơ thấp và trung bình được đến Phuket và ở lại đây 2 tuần trước khi đến những địa điểm du lịch khác mà không cần thực hiện cách ly. Tuần trước, giới chức Thái Lan đã giảm số ngày lưu trú bắt buộc tại Phuket xuống còn 1 tuần theo những điều chỉnh về quy định cách ly của chính phủ. Tổng Cục Du lịch Thái Lan tối 1/10 cho biết hiện khoảng 80 quốc gia đã đủ điều kiện áp dụng cơ chế “hộp cát” này. Điều này có nghĩa là Thái Lan chào đón những du khách đến từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới theo chương trình “hộp cát”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat cho biết những trẻ em chưa tiêm vaccine vẫn có thể đi theo bố mẹ đã tiêm chủng. 

Chú thích ảnh
Người dân trên bãi biển ở Phuket, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Thái Lan đã mở cửa đó du khách tiêm chủng đầy đủ, ngày 19/9/2021. Ảnh: Reuters 

Chương trình “hộp cát” hiện đã thu hút được hơn 38.000 lượt du khách đến Phuket và giúp tạo ra 66,67 triệu USD.  Giới chức Thái Lan hy vọng có thể mở cửa trở lại thêm 5 địa điểm du lịch khác, trong đó có thủ đô Bangkok, theo mô hình “hộp cát”, từ đầu tháng 11 tới. Sau đó tăng thêm nhiều địa điểm khác từ tháng 12 khi mà tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. 

Lào tăng cường phòng dịch tại các nhà máy 

Bộ Y tế Lào lo ngại nguy cơ dịch lan rộng khi thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt trong một ngày với 400 trường hợp. Điều này khiến số bản tại thủ đô được quy định là “vùng đỏ” tăng cao với 120 bản, thuộc 7 quận. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 24.916 ca, trong đó có 21 người tử vong.

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát tại các nhà máy sản xuất như đã xảy ra gần đây, Bộ Công Thương Lào đã có thông báo về việc tiến hành đánh giá công tác phòng ngừa dịch COVID-19, qua đó đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 đối với các nhà máy sản xuất. Theo đó, những doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch sẽ phải tạm ngừng hoạt động, đồng thời phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bùng phát dịch. Công tác kiểm tra các nhà máy sẽ do sở công thương các tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương phối hợp thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào cũng vừa đưa ra khuyến cáo về tình trạng kinh doanh các loại thảo dược điều trị COVID-19 trên mạng xã hội, trong đó chủ yếu là loại viên nang tinh chất xuyên tâm liên và ngải bún. Theo Bộ Y tế Lào, hầu hết các sản phẩm này chưa được phê duyệt chính thức và hình thức kinh doanh này là trái quy định, vì vậy kêu gọi người dân không nên mua và sử dụng vì có thể gây ra nhiều rủi ro.

Campuchia xem xét giảm thời gian cách ly với nhà đầu tư 

Các bộ, ban ngành liên quan của Campuchia ngày 1/10 đã kiểm tra và thảo luận về việc giảm thời gian cách ly đối với nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ muốn nhập cảnh vào Campuchia.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hồi tháng 8 vừa qua, trong cuộc họp của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, khu vực tư nhân đã kêu gọi chính phủ tạo thuận lợi, giảm các yêu cầu cách ly và tiền đặt cọc đối với nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

Việc cân nhắc giảm thời gian cách ly đối với các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia, sau 7 ngày luôn ở mức 800 ca/ngày, đã giảm mạnh trong hai ngày 1 và 2/10 theo cách tính mới kèm kết quả xét nghiệm PCR.

Bộ Y tế Campuchia ngày 2/10 xác nhận nước này có 174 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 21 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 113.057 ca. Bộ Y tế cũng thông báo có thêm 24 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 2.360 ca.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm