Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt, số ca mắc mới tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây, ca tử vong nhìn chung giảm mạnh. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Brunei và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” chỉ ghi nhận trên 6.00 ca bệnh mới và có 47 ca tử vong.
Diễn biến dịch cũng bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 18/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới cao thứ hai và ca tử vong cao nhất Đông Nam Á. Malaysia từng là điểm nóng, song 1 ngày qua chỉ ghi nhận 6,133 ca mắc mới và 63 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Chỉ còn Thái Lan là vẫn đáng ngại, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 18/10 ghi nhận thêm trên 10.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 63 người, đứng thứ ba toàn khối.
Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 195 bệnh nhân mới và 12 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 272.648 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 349 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,8 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 3 nước không công khai số liệu.
Dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 18/10:
Quốc gia | Tổng số ca mắc | Ca mắc mới | Tổng số ca tử vong | Ca tử vong mới | Ca phục hồi |
Indonesia | 4,235,384 | +626 | 142,999 | +47 | 4,075,011 |
Philippines | 2,727,286 | +6,943 | 40,761 | +86 | 2,617,693 |
Malaysia | 2,390,687 | +6,133 | 27,921 | +63 | 2,270,520 |
Thái Lan | 1,793,812 | +10,111 | 18,336 | +63 | 1,668,250 |
Việt Nam | 867,221 | +3,168 | 21,269 | +75 | 792,980 |
Myanmar | 487,853 | 18,359 | 440,259 | ||
Singapore | 148,178 | 233 | 121,965 | ||
Campuchia | 116,860 | +195 | 2,670 | +12 | 111,149 |
Lào | 32,314 | +285 | 40 | 6,558 | |
Brunei | 11,047 | +187 | 76 | +3 | 8,242 |
Thái Lan lo ngại về tình hình COVID-19 ở các tỉnh vùng cực Nam
Tại Thái Lan vùng cực Nam của nước này đã trở thành tâm điểm của dịch COVID-19 ở nước này, với số lượng các ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 18/10, vượt qua vùng đô thị Bangkok mở rộng.
Chiều 18/10, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) cho biết tình hình ở khu vực biên giới phía Nam vẫn là mối quan tâm của chính phủ. Số liệu của CCSA cho thấy các tỉnh Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala ghi nhận tổng cộng 2.303 ca mắc COVID-19 mới so với 1.610 ca được ghi nhận ở vùng Bangkok mở rộng.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, sáng 18/10, nước này ghi nhận thêm 10.111 ca nhiễm mới cùng 63 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.793.812 ca mắc COVID-19, trong đó có 18.336 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm và các trường hợp tử vong vì COVID-19 ở Thái Lan được ghi nhận kể từ ngày 1/4 khi làn sóng COVID-19 thứ 3 bùng phát.
Indonesia tiếp tục kéo dài các hạn chế xã hội
Chính phủ Indonesia tiếp tục gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 từ ngày 19/10 đến ngày 2/11 tại Java và Bali và từ 19/10 đến ngày 8/11 tại các địa phương nằm ngoài hai hòn đảo đông dân này.
Phát biểu họp báo ngày 18/10, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và ddầu tư, kiêm điều phối viên PPKM tại Java và Bali, ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết 54 huyện và thành phố trên hai hòn đảo này sẽ áp dụng PPKM cấp độ 2 và 9 địa phương khác áp dụng PPKM cấp độ 1.
Khu vui chơi giải trí và rạp chiếu phim trong các trung tâm thương mại ở các địa phương áp dụng PPKM cấp độ 2 sẽ được phép mở cửa đón trẻ em với điều kiện lưu số điện thoại và địa chỉ của bố mẹ, cũng như thời gian vui chơi của các bé để phục vụ cho việc truy vết tiếp xúc khi cần.
Trong nhiều tuần gần đây, số ca nhiễm COVID-19 tại Indonesia đã giảm mạnh. Trong đó, từ ngày 29/9 đến nay, số ca nhiễm mới chưa khi nào vượt quá 2.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này được dự báo sẽ phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ 3 sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới – thời điểm người dân đi lại nhiều.
Tình hình dịch COVID-19 giảm tại Campuchia, Philippines
Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận ngày 18/10 tại Campuchia ở mức thấp nhất trong 17 ngày qua, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang tiến dần từng bước tới mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế-xã hội, với động thái mới nhất là giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế Campuchia ngày 18/10 ra thông cáo xác nhận có thêm 195 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, gồm 22 ca nhập cảnh và 173 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu dịch đến nay lên 116.860 ca. Bộ trên cũng thông báo có thêm 12 ca tử vong do COVID-19, trong đó có 8 ca chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Cũng trong ngày 18/10, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này ghi nhận 6.943 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 2.727.286 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 86 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 40.761 ca.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết tỉ lệ lây nhiễm tại nước này tiếp tục giảm. Thứ trưởng Vergeire nêu rõ tất cả các khu vực ở Philippines đã ghi nhận đỉnh dịch và hiện đều trong xu hướng giảm.
Trước đó, ngày 11/9, Philippines ghi nhận số ca mắc cao nhất từ đầu dịch, với 26.303 ca. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tính theo tuần ở nước này cũng đang trong chiều hướng giảm kể từ mức cao nhất ghi nhận giữa tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, bà Vergeire kêu gọi người dân vẫn cần phải nâng cao cảnh giác để không xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.
Singapore mở rộng hành lang đi lại thêm 8 nước
Từ ngày 19/10, Singapore miễn quy định cách ly đối với hành khách nhập cảnh từ 8 nước đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh “đảo quốc Sư tử” từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để sống chung an toàn với đại dịch.
Với hơn 80% dân số đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, giữa tháng 9 vừa qua, Singapore đã chính thức nối lại hoạt động du lịch quốc tế cho hành khách đã tiêm chủng từ Đức và Brunei trong khuôn khổ chương trình “Vaccinated Travel Lane” (Hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng). Từ ngày 19/10, chương trình này được mở rộng thêm 8 quốc gia gồm Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ. Hành lang đi lại với Hàn Quốc dự kiến được triển khai từ ngày 15/11.
Trước đó, ngày 9/10, Thủ tướng Lý Hiển Long đã công bố một loạt biện pháp nới lỏng theo chiến lược “sống chung với COVID-19”, đồng thời khẳng định “Singapore không thể phong tỏa và đóng cửa vô thời hạn”. Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng chiến lược “Zero-COVID” mà Singapore áp dụng trong năm 2020 là phù hợp, song sự xuất hiện của biến thể Delta buộc Singapore phải điều chỉnh và xác định sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 80% trong tháng 8/2021.
Theo Báo Tin Tức