BNEWS Mùa Đông năm nay mang đến mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng ở “lục địa già” do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.
Càng ngày, kịch bản nguồn cung khí đốt của Nga bị xóa sổ càng hình thành rõ nét, đẩy giá khí đốt lên mức cao mới. Các công ty ở Bỉ và châu Âu đã có sự chuẩn bị như thế nào để đối phó với tình hình này?
Bài 1: Kế hoạch giảm tiêu thụ
“Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy sự dễ bị tổn thương của nền kinh tế châu Âu do phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga”, đó là giải thích của Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Bỉ Tinne Van der Straeten trong một bức thư gần đây gửi cho một số Liên đoàn lao động liên quan đến yêu cầu giảm tiêu thụ năng lượng.
Theo Bộ trưởng Tinne Van der Straeten, tình hình ở châu Âu và một số quốc gia là “đáng lo ngại”. Các kế hoạch dự phòng liên quan đến nguy cơ thiếu hụt năng lượng đã được công bố ở các nước như Hà Lan, Đức và Pháp. Tại Bỉ, một số công ty đang bày tỏ mối lo ngại của họ về mùa Đông tới. Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định áp đặt mục tiêu giảm 15% tiêu thụ khí đốt ở châu Âu cho đến mùa Xuân tới.
Để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, mới đây, Chính phủ Bỉ đã phê duyệt Kế hoạch mùa Đông, trong đó hợp phần kế hoạch khẩn cấp khí đốt tự nhiên sẽ được cập nhật vào tháng Chín. Theo Bộ trưởng Tinne Van der Straeten, trong những tuần tới, các thủ tục khẩn cấp sẽ phải được đào sâu và thực hiện, không chỉ ở cấp chính quyền mà còn với tất cả các thành phần kinh tế xã hội. Bộ trưởng cũng nhắc lại rằng các công ty phải đảm bảo sự an toàn cho các hoạt động của họ và nhân sự trong trường hợp cắt điện hoặc khí đốt, ngay cả khi những điều này xảy ra sau một sự kiện đột ngột, thiên tai hoặc sự thiếu hụt năng lượng.
Nhưng các công ty của Bỉ có chuẩn bị tốt cho kịch bản thảm họa này không? Vào cuối tháng Sáu vừa qua, Bộ Kinh tế Liên bang đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1.000 công ty với mục đích “tăng nhận thức về việc tiết kiệm năng lượng sẽ hữu ích để hỗ trợ sự gia tăng chóng mặt của giá năng lượng và để cùng nhau đảm bảo an ninh nguồn cung”. Điều chắc chắn là trong trường hợp có các vấn đề lớn về nguồn cung, ngành công nghiệp sẽ phải đối mặt với các vấn đề sản xuất. Một số doanh nghiệp lớn nhất đã bắt đầu nghĩ đến việc giảm tiêu thụ năng lượng và giảm sản lượng.
Con đường gian nan
Liệu các nhà chức trách Bỉ có chọn biện pháp mạnh mẽ để thúc ép các công ty ngăn chặn việc lãng phí năng lượng, như các thành phố của Pháp đã làm gần đây? Bộ trưởng Tinne Van der Straeten tin tưởng các cơ quan hành chính “sẽ nêu gương và các công dân, mỗi người sẽ hành động ở cấp độ của mình. Các công ty sẽ là đối tác chính trong việc đáp ứng những thách thức về năng lượng của châu Âu”.
Ở cấp độ này, Pháp đã vượt lên dẫn trước với những biện pháp triệt để của các doanh nghiệp lớn. Trong trường hợp có nguy cơ bị cắt điện trong mùa Đông này, Chủ tịch Ủy ban chiến lược của các cửa hàng E. Leclerc, Michel-Edouard Leclerc, mới đây đã tuyên bố trên France Info rằng: “Chúng tôi có thể đóng cửa các cửa hàng trong những khoảng thời gian nhất định”.
“Chúng tôi đang chiến đấu vì đất nước của mình. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng cửa tủ lạnh đóng kín, chúng tôi sẽ không vận hành lò bánh mỳ vào thời gian cao điểm, đây sẽ là những biện pháp rất cụ thể”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Hai tuần trước, Liên đoàn phụ trách các vấn đề kỹ thuật và năng lượng liên quan đến thương mại (Perifem), đã đề ra các biện pháp chung và cụ thể để đối phó với nguy cơ thiếu điện trong mùa Đông năm nay. Các biện pháp này, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10, đặc biệt liên quan đến việc chấm dứt chiếu sáng các bảng hiệu ngay sau khi các cửa hàng đóng cửa, giảm ánh sáng hoặc thậm chí giảm nhiệt độ trong các cửa hàng xuống 17 độ trong mùa Thu và mùa Đông, trong trường hợp có yêu cầu từ cơ quan quản lý.
Theo bà Sophie Tielemans, chuyên gia năng lượng tại Liên đoàn Thương mại Bỉ (Comeos), các công ty Bỉ đã nỗ lực trong nhiều năm để giảm mức tiêu thụ năng lượng, vận hành dần dần hệ thống chiếu sáng để tránh mức tiêu thụ năng lượng cao nhất, sử dụng các phòng làm mát kín…
Tương tự, việc quét mã năng lượng mà Comeos đã thực hiện từ năm 2019 giữa các thành viên, với sự hỗ trợ của Cơ quan Môi trường Brussels và Cơ quan Năng lượng Flemish, góp phần tiêu thụ năng lượng một cách hợp lý.
Tái kích hoạt kế hoạch “Sesame”
Về phần mình, Liên hiệp Tầng lớp trung lưu (UCM) dự định đổi mới chiến dịch “Sesame” 2012-2013, phối hợp với vùng Wallonia, để khuyến khích các cửa hàng đóng cửa vào mùa Đông. Người phát ngôn của UCM Thierry Evens nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một ý tưởng có thể được hồi sinh, dưới một hình thức được xác định, trong mọi trường hợp, trước mùa Đông tới”.
Ông Evens nhận định: “Rất khó để đưa ra lời khuyên chung. Nhiệt độ tối thiểu và tối đa trong văn phòng và công xưởng nói riêng được quy định bởi Luật lao động và tôi nghĩ rằng mọi người sử dụng lao động ngày nay đều nhận thức rõ rằng họ không cần phải làm việc trong điều kiện quá nóng hoặc quá lạnh.”
Chủ tịch Hiệp hội chuyên nghiệp tự phục vụ về thực phẩm độc lập (Aplsia), Pascal Niclot, nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không làm gì, chắc chắn sẽ có thảm họa”. Nhiều công ty đã phải thanh toán hóa đơn khổng lồ về khí đốt. Một điều chắc chắn, như Bộ trưởng Năng lượng đã nhắc nhở, tốt hơn hết là hãy sẵn sàng khi mùa Đông tới. Ông nói: “Nếu mùa Đông vẫn còn xa vời đối với chúng ta, thì ngay từ hôm nay, chúng ta phải chuẩn bị”.
Ở Paris, các cửa hàng có điều hòa nhiệt độ phải đóng cửa ra vào kể từ ngày 23/7, để giảm mức tiêu thụ năng lượng, theo lệnh của Tòa thị chính Paris. Theo Nghị định này, mức phạt tối đa là 150 euro (152 USD) đối với các cơ sở thương mại hoặc dịch vụ để cửa mở khi điều hòa không khí hoặc hệ thống sưởi mùa Đông đang hoạt động.
Paris không phải là thành phố đầu tiên muốn buộc các cơ sở kinh doanh có máy lạnh phải đóng cửa ra vào. Vào ngày 15
/7 vừa qua, Tòa thị chính Bourg-en-Bresse đã ban hành một sắc lệnh cùng loại, được coi như một sắc lệnh đầu tiên ở Pháp. Thị trưởng Lyon, Grégory Doucet, cũng ký lệnh cấm các cơ sở kinh doanh có máy lạnh không được mở cửa ra vào thường xuyên. Thành phố Besançon cũng áp dụng theo mô hình này./.
Theo BNews/