BNEWS Trái ngược với sự mạnh lên của đồng USD, những đồng tiền khác đang cạnh tranh “ngôi vương” với đồng bạc xanh, chẳng hạn như đồng yen, nhân dân tệ hay thậm chí tiền điện tử, đều đang giảm giá.
Đồng tiền quan trọng nhất thế giới đang di chuyển trên một vòng quay tăng trưởng. Trong năm qua, đồng USD đã tăng khoảng 20% so với rổ tiền tệ toàn cầu và đang ở mức cao nhất của 20 năm.
Tuy nhiên, trái ngược với sự mạnh lên của đồng USD, những đồng tiền khác đang cạnh tranh “ngôi vương” với đồng bạc xanh, chẳng hạn như đồng yen, nhân dân tệ hay thậm chí tiền điện tử, đều đang giảm giá.
Ngay cả khi Mỹ sử dụng ảnh hưởng tài chính của mình để trừng phạt Nga, những nước khác vẫn đổ xô vào hệ thống tài chính dựa trên đồng USD và coi đây như một nơi trú ẩn an toàn.
Sức mạnh mang tính chu kỳ của đồng USD đang chi phối tình hình tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định được đăng trên tạp chí The Economist của Anh, nếu xem xét kỹ hơn, những thay đổi về công nghệ cuối cùng sẽ thách thức đồng USD.
Sự tăng giá của đồng USD phản ánh nhiều yếu tố. Khi châu Âu và Trung Quốc đối mặt với suy thoái, kinh tế của Mỹ đang chứng tỏ khả năng phục hồi với tốc độ tăng trưởng việc làm và lợi nhuận mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tình hình lạm phát cao đang khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn và cao hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác.
Khủng hoảng năng lượng là cú sốc có lợi cho các nhà xuất khẩu năng lượng và trừng phạt đồng tiền của các nước nhập khẩu. Nhờ cuộc cách mạng dầu khí đá phiến, năm 2019, Mỹ đã lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu năng lượng ròng kể từ năm 1952. Không có động lực nào trong số này có vẻ sẽ sớm mất đi.
Đối với Mỹ, đồng USD mạnh mang lại một số lợi thế trong việc giúp làm giảm lạm phát, ngay cả khi việc này có thể gây ra một số vấn đề về khả năng cạnh tranh dài hạn. Tuy nhiên, đối với phần lớn thế giới, đồng USD mạnh lên là một tin xấu.
Đồng bạc xanh vẫn chiếm ưu thế trong việc lập các hóa đơn thương mại và nợ xuyên biên giới. Kết quả là khi Fed tăng lãi suất và dòng vốn dịch chuyển về Mỹ, nền tảng tài chính của các thị trường mới nổi sẽ bị siết chặt. Cho đến nay, các nền kinh tế lớn như Ấn Độ đã chống đỡ tốt, nhưng những nền kinh tế nhỏ hơn với các khoản nợ lớn như Sri Lanka và Pakistan đang gặp khó khăn lớn.
Các chuyên gia cho rằng tính lâu bền của hệ thống toàn cầu dựa trên đồng USD này là minh chứng cho sức mạnh trường tồn của Mỹ. Trong bối cảnh đó, giới quan sát Mỹ cần chú ý đến hai sự phát triển về công nghệ.
Đầu tiên, hệ thống thanh toán và tiền kỹ thuật số do nhà nước điều hành cuối cùng cũng đang giành được sức hút. Đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc hiện có 260 triệu người dùng và các công nghệ liên quan có thể cuối cùng sẽ cho phép Trung Quốc điều hành một hệ thống thanh toán toàn cầu của riêng mình trong khi vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát vốn, điều mà nước này cho là cần thiết để duy trì sự ổn định. Làm được điều này có thể khiến Trung Quốc trở nên miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ở những nơi khác, hệ thống thanh toán của nhà nước đang thể hiện hiệu ứng kỹ thuật số mạnh mẽ. Hệ thống Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) của Ấn Độ rất rộng lớn và hệ thống thanh toán Pix của Brazil đã có 126 triệu người sử dụng. Ngày nay, các mạng lưới thanh toán này là nội địa, nhưng trong tương lai chúng có thể tạo điều kiện cho việc thực hiện các giao dịch xuyên biên giới như là những lựa chọn thay thế cho hệ thống dựa trên đồng USD.
Thứ hai, nếu nhìn xa hơn thì bên cạnh những trò lừa đảo và bong bóng tiền điện tử, các nền tảng công nghệ tài chính phi tập trung sẽ tiếp tục được cải thiện. Ví dụ, các nhà phát triển đang thúc đẩy việc nâng cấp lên chuỗi khối ethereum, chuỗi khối mà hầu hết các ứng dụng DeFi đang dựa vào.
Trong thế kỷ 20, đồng USD đã làm lu mờ vai trò là đồng tiền tệ dự trữ thế giới của đồng bảng Anh và trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi như một đơn vị kế toán, lưu trữ giá trị và phương tiện thanh toán toàn cầu.
Sự thay đổi tiếp theo trên thị trường tiền tệ có thể sẽ không quá rõ ràng, vì các công nghệ mới có thể giúp tách biệt một số chức năng của đồng tiền tệ dự trữ, ví dụ cho phép các quốc gia thiết lập quyền tự chủ trong thanh toán mà không cần tranh giành vai trò với đồng USD trong các lĩnh vực khác.
Cho đến nay, vị thế đồng tiền dự trữ của đồng USD vẫn chưa thay đổi. Tuy nhiên trong tương lai, nhiều khả năng công nghệ sẽ làm thay đổi ý nghĩa của một đồng tiền dự trữ./.
Theo BNews/