Trang chủ » Công bố Báo cáo internet, tài nguyên internet Việt Nam 2021

Công bố Báo cáo internet, tài nguyên internet Việt Nam 2021

bởi unexpress

BNEWS Ngày 15/12, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức công bố “Báo cáo internet, tài nguyên Internet Việt Nam 2021” với chủ đề “Internet for all” (dịch nghĩa – Internet cho tất cả).

Ngày 15/12, trong khuôn khổ sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021 (Vietnamese Internet Day 2021), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức công bố “Báo cáo internet, tài nguyên Internet Việt Nam 2021” với chủ đề “Internet for all” (dịch nghĩa – Internet cho tất cả).
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam chia sẻ, đánh dấu 10 năm kể từ khi ấn phẩm “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam” lần đầu tiên được xuất bản, Trung tâm Internet Việt Nam đã đổi mới, mở rộng ấn phẩm thành “Báo cáo internet, tài nguyên internet Việt Nam2021”.

Đồng thời, thông điệp “Internet for all” là kim chỉ nam cho hoạt động của Trung tâm Internet Việt Nam, thể hiện khát vọng và quyết tâm của Trung tâm Internet Việt Nam trong mục tiêu đưa những giá trị của internet vào cuộc sống tới mọi người, mọi nhà, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, định hướng phát triển hạ tầng số cần gắn liền với kết nối mạng internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Để phát triển bền vững, đảm bảo an toàn hạ tầng số Việt Nam, việc phát triển hạ tầng, nền tảng Internet, nội dung trong nước là rất quan trọng.
Phát biểu tại Ngày Internet Việt Nam 2021, đề cập đến việc phát triển internnet Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh việc mở rộng kết nối internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển internet (IXP), trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX); mở rộng kết nối khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển để trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực, đồng thời, cần chuyển đổi toàn bộ mạng internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới là IPv6.
Theo số liệu tại Báo cáo internet, tài nguyên internet 2021, hiện có 660 hệ thống mạng sử dụng địa chỉ internet (IP) hoặc số hiệu mạng (ASN) độc lập kết nối với nhau hình thành internet Việt Nam. Con số này tăng 20% so với năm 2020.

Các mạng trong nước kết nối với nhau thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ (ISP) và qua Trạm trung chuyển internet quốc gia. Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam có ba điểm Trạm trung chuyển internet quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một điểm mở rộng tại VNPT Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng băng thông kết nối khoảng 400Gbps với 50 mạng thành viên. Số lượng mạng thành viên kết nối tăng 8,7% so với năm 2020. Việc tăng cường kết nối qua Trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX) không chỉ góp phần phát triển hạ tầng số, thúc đẩy lưu lượng, băng thông kết nối trong nước, nội dung trong nước, mà còn góp phần đảm bảo hoạt động an toàn, liên tục của mạng internet Việt Nam, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối internet của khu vực.
Hệ thống phân giải tên miền quốc gia (DNS) là một trong các hạ tầng thông tin quan trọng quốc gia, được xem là trái tim của mạng internet Việt Nam.

Tính đến năm 2021, Trung tâm Internet Việt Nam đã triển khai thành công ba cụm máy chủ tên miền gốc (DNS Root) tại Việt Nam, kết nối với Trạm trung chuyển internet quốc gia, giúp hỗ trợ truy cập dịch vụ tên miền không phụ thuộc vào các máy chủ DNS gốc đặt tại nước ngoài và tăng tốc độ truy vấn tên miền “.vn” nhanh gấp 5-10 lần.
Theo báo cáo của Trung tâm Internet Việt Nam, năm 2021 ghi nhận sự phát triển các mạng độc lập, kết nối đa hướng, triển khai công nghệ an toàn kết nối, định tuyến internet. Tỷ lệ tăng trưởng thành viên địa chỉ internet năm 2021 trên 20% so với năm 2020. Năm 2021, ứng dụng công nghệ xác thực định tuyến (RPKI) trên mạng internet Việt Nam gia tăng mạnh.

Tính đến ngày 30/11/2021, có 54 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam triển khai công nghệ xác thực định tuyến trong định tuyến các vùng địa chỉ trên internet. Công nghệ này sẽ tiếp tục được VNNIC thúc đẩy, tăng cường trong năm 2022.
Trong Báo cáo internet, tài nguyên internet Việt Nam 2021 còn có các số liệu cập nhật về tỷ lệ sử dụng ứng dụng giao thức internet thế hệ 6 (IPv6) của internet Việt Nam, việc triển khai tên miền quốc gia “.vn” và cập nhật số liệu về hệ thống đo tốc độ truy cập internet Việt Nam (trên ứng dụng i-Speed by VNNIC)…

Kết quả báo cáo cho thấy, trong 21 năm qua, sự tăng trưởng ngoạn mục của tài nguyên internet Việt Nam với sự hoạt động ổn định, an toàn của hệ thống kỹ thuật hạ tầng internet đã góp phần tạo động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của internet Việt Nam. Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng và có những đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của internet toàn cầu./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm