Trang chủ » Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Anh

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Anh

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Các khách mời trực tiếp dự hội thảo (ảnh chụp qua màn hình).

Theo phóng viên TTXVN tại London, tại Hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, thương mại Việt Nam – Anh vẫn có những  bước phát triển tích cực. Vương quốc Anh hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, đứng thứ 9 trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Anh tại ASEAN và đứng thứ 26 trong số đối tác xuất  khẩu của Anh trên thế giới. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 5,4 tỷ USD, tăng gần 16% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam đạt thặng dư thương mại 4,03 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt  hơn 4,73 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Các mặt hàng tăng trưởng cao gồm sắt thép; cao su; nông sản; sản phẩm mây, tre, cói và thảm; hạt tiêu; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ian Gibbon, Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Anh – ASEAN, nêu rõ thương mại song phương Việt Nam – Anh năm 2019 đã tăng gấp 3 lần lên hơn 6 tỷ USD so với năm 2010. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Anh vẫn đạt gần 5 tỷ USD.

Ông Gibbon cho rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh có hiệu lực là động lực lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Hàng loạt các chuyến thăm gần đây của các quan chức hàng đầu chính phủ Anh, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Thương mại, cho thấy hai bên coi trọng thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp, và tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, năng lượng sạch và tái tạo, kinh tế số. 

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, nhận định sau Brexit, quan hệ giao thương mới giữa Anh và EU không còn thuận lợi như trong một thị trường chung. Các doanh nghiệp Anh phải tích cực, chủ động tìm các nguồn cung ứng mới và thị trường mới, trong đó có Việt Nam – một trong những nền kinh tế đang nổi lên mạnh mẽ tại Đông Nam Á và là quốc gia thứ hai ký FTA với Anh. Đồng thời, Chính phủ Anh đang thực hiện chính sách thương mại mở cửa hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Anh phát triển xuất khẩu nhiều hơn tới những khu vực kinh tế năng động trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội để hai bên thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh doanh.

Đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Anh, ông Dario Miraglia, Giám đốc thương mại, Công ty Vestey Foods International, cho biết điều quan trọng là doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường và sau đó tìm đối tác kinh doanh thông qua nhiều kênh khác nhau như tìm hiểu trên website, liên hệ trực tiếp hoặc thông qua các quan hệ khác. Ông Miraglia chỉ ra rằng ngoài các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế chung, mỗi thị trường đều có quy định, thủ tục, giấy tờ riêng và doanh nghiệp nhập khẩu cần nắm vững các quy định này, nhấn mạnh đây là điều tối quan trọng và các doanh nghiệp cần trao đổi với các đối tác kinh doanh tại Anh để đáp ứng các yêu cầu này.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn FPT, cho rằng doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về thị trường trước khi đầu tư, và nhấn mạnh văn hóa là yếu tố quan trọng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo bà Hoàng Hương Giang, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10, Anh là thị trường khá khó tính với những yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá chặt chẽ về hệ thống quản lý sản xuất, và May 10 phải trải qua những đợt đánh giá hàng năm về trách nhiệm xã hội, an toàn sức khỏe người lao động, để có thể trụ vững trên thị trường này. Bà Giang cho biết vấn đề chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ phải song hành với quá trình đào tạo nhân lực để phục vụ khách hàng tốt hơn, coi khách hàng ở trung tâm trong chuỗi giá trị của mình, từ khâu buôn bán, nguyên phụ liệu hay giao hàng, và doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về toàn bộ quá trình sản xuất với khách hàng.

Trong khi đó, bà Thủy Ngô, Giám đốc Thương mại và Tài chính toàn cầu, Ngân hàng HSBC Việt Nam, khuyến cáo trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ đối tác, tình hình kinh doanh và khả năng thanh toán của họ để tránh rủi ro và các ngân hàng bản địa thường có mạng lưới rất tốt hỗ trợ cho việc này. 

Vương quốc Anh là thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 448 tỷ bảng. Các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của Anh là xe hơi, các sản phẩm y tế thuốc men, quần áo, thiết bị âm thanh và viễn thông, máy móc văn phòng, máy phát điện cơ, kim loại không màu, các hàng hóa điện dụng, dầu thô, rau quả. Anh hiện nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam, tuy nhiên, thị phần của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Vương quốc Anh. Chính vì vậy tiềm năng dành cho doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều.

Mặc dù vậy, thị trường Anh cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt sau khi nước này rời EU. Cụ thể, thủ tục về các loại giấy chứng nhận, thủ tục kiểm soát hải quan, động thực vật, khai báo thuế, nộp thuế, sẽ phải tuân theo hướng dẫn mới của Anh. Ví dụ trước đây, các loại giấy chứng nhận cấp cho sản phẩm sang EU được áp dụng cho xuất khẩu sang Anh, nhưng giờ đây doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào Anh phải có giấy chứng nhận được phía Anh chấp thuận, đồng thời phải dẫn chiếu luật của Anh thay vì luật của EU.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm