Lãi suất cho vay vẫn còn khá cao
Với diễn biến dịch phức tạp, nhận thấy việc học trực tuyến khả năng còn phải kéo dài, gia đình chị Bích Hằng (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) quyết định đầu tư thêm một máy tính xách tay để thuận tiện hơn cho việc học lâu dài của các con. Trước đó, hai bé nhà chị thay nhau sử dụng chiếc máy tính bảng cũ được người quen cho hoặc dùng điện thoại di động của mẹ, nhưng việc sử dụng 2 thiết bị này để tìm kiếm, tải tài liệu và làm bài thi nhiều lúc rất bất tiện.
Tuy nhiên, quyết định mua sắm này được chị Bích Hằng “đưa lên đặt xuống” rất nhiều lần, bởi thu nhập của gia đình bị giảm đáng kể trong một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh và để có ngay lập tức khoản tiền 20 triệu đồng không phải là dễ.
Khi tìm hiểu tại cửa hàng, chị quyết định trả trước 30%, phần còn lại 12 triệu trả góp qua công ty tài chính với lãi suất gần 2%/tháng trong vòng 9 tháng. Dù chênh lệch tới 2 triệu đồng, nhưng chị Bích Hằng vẫn chấp nhận vay để giảm bớt áp lực tài chính ở thời điểm này.
Anh Nguyễn Vỹ ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cũng vừa mua trả góp thêm một chiếc xe máy cho cô con gái mới đậu Đại học. Theo anh Hùng, hiện nay hầu hết các cửa hàng, trung tâm mua sắm đều liên kết với các công ty tài chính, ngân hàng nên việc mua sắm của người dân, nhất là lao động nghèo trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Việc tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng cũng rất thuận tiện, khách hàng chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, bằng lái xe… là có thể được giải ngân cho vay ngay lập tức.
“Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của hình thức cho vay này, đó là lãi suất còn khá cao. Có công ty cho vay lãi suất lên đến 4 – 5%/tháng, số tiền mua trả ngay và trả góp chênh lệch rất lớn. Vẫn biết các công ty tài chính không được huy động vốn nên phải cho vay với lãi suất cao hơn so với ngân hàng, nhưng mong sao các công ty tài chính có thể giảm bớt lãi suất để hỗ trợ khách hàng trong thời điểm khó khăn này”, anh Vỹ cho biết.
Thực tế, việc cho vay với lãi suất còn khá cao là vấn đề không mới đối với ngành tài chính tiêu dùng. Không chỉ riêng các công ty tài chính, phân khúc cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng, nhất là ngân hàng tư nhân cũng thường cao hơn so với các lĩnh vực khác. Bởi đặc thù của phân khúc cho vay này chủ yếu là vay tín chấp, quy trình thu hồi nợ phức tạp và khoản nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tới thu nhập của không ít người lao động.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng hiện dao động từ khoảng 30 – 45%/năm và không giảm từ cuối năm 2020 đến nay.
Mới đây, để tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tiếp cận với nguồn vốn vay chính thức, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như các công ty tài chính xem xét giảm lãi suất cho vay cho nhóm đối tượng công nhân, người lao động nghèo, người có thu nhập thấp…
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện nay cho vay tiêu dùng trở thành kênh tín dụng khá phổ biến trên thị trường. Nhiều người dân đã tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng không nhỏ lên đến 20 – 50 triệu đồng, kịp thời giúp họ ổn định phần nào kinh tế gia đình, tránh xa tín dụng đen.
“Tuy nhiên, phần lớn các khoản vay tiêu dùng hiện có mức lãi suất cho vay còn khá cao. Do đó, chúng tôi đang tổ chức triển khai chương trình này đến các công ty tài chính trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ người dân, thu nhập thấp không thể tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thì có thể tiếp cận nguồn vốn này để xoay xở trong những lúc khó khăn”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Liệu có dư địa giảm lãi vay?
Trong 2 năm qua, dưới ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 kéo dài, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong năm 2021.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mặc dù trong hầu hết các năm, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60 – 70% tổng tăng trưởng kinh tế, thế nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động tài chính tiêu dùng.
“Tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính hội viên gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu bình quân lên tới 9 – 10%, cao hơn nhiều so với mức 6% ở cùng kỳ năm trước và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng cho biết.
Theo các công ty tài chính tiêu dùng, phân khúc khách hàng của các công ty là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… Đây cũng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Thêm vào đó, hoạt động giao dịch, tiếp cận khách hàng bị gián đoạn nghiêm trọng trong thời gian dài giãn cách xã hội… Những yếu tố trên đã tác động lớn đến kết quả doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao; đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.
Mặt khác, đặc thù của các hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng có chi phí đầu vào thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại; cộng thêm rủi ro khoản vay tín chấp… nên các công ty khó có thể giảm sâu lãi suất cho vay.
Tại một hội nghị trực tuyến diễn ra cuối tháng 10/2021, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính HD Saison cho biết, vài năm trước, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an là đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính để hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy giải pháp hỗ trợ công ty tài chính có nguồn vốn thấp để giảm mạnh lãi suất cho vay.
“Hiện các công ty tài chính chủ yếu huy động vốn từ các nguồn thương mại với lãi suất đầu vào cao, trong khi chi phí mạng lưới rất lớn vì tới tận thôn, xã vùng sâu, vùng xa… Gần đây, do ảnh hưởng dịch nên tỷ lệ nợ xấu của nhóm các công ty tài chính ở mức cao cũng tác động đến khả năng bị hạn chế tăng trưởng tín dụng. Do đó, các công ty tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành”, ông Nguyễn Đình Đức cho biết.
Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng khó có thể thấp như ngân hàng thương mại. Bởi, chi phí hoạt động của các công ty này quá cao, các khoản cho vay lại không có tài sản thế chấp nên thường phản ứng nhạy với diễn biến dịch, tỷ lệ nợ xấu theo đó và tỷ lệ trích lập dự phòng lớn. Do vậy, cần góc nhìn mang tính đặc thù của phân khúc này và có chính sách phù hợp về tăng trưởng tín dụng, lãi suất.
“Việc các công ty tài chính kiến nghị nới rộng hạn mức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là hợp lý. Bởi kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy họ khôi phục được sau khủng hoảng là duy trì lực cầu thông qua tín dụng. Vì người dân vẫn tiêu dùng, kích cầu thông qua tài chính tiêu dùng, hàng hóa bán được… là một trong những giải pháp góp phần hồi phục nền kinh tế”, ông Lê Trung Kiên cho biết.
Theo Báo Tin Tức