BNEWS Trong giai đoạn phục hồi, phát triển du lịch hiện nay, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là đòn bẩy để du lịch bứt phá.
Trong giai đoạn phục hồi, phát triển du lịch hiện nay, bên cạnh việc quan tâm nâng chất nguồn nhân lực, đổi mới sản phẩm, một trong những yếu tố quan trọng đáp ứng sự thay đổi của thị trường, nhu cầu của du khách chính là đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mang lại ngày càng nhiều tiện ích cho cả người vận hành dịch vụ lẫn du khách thụ hưởng sản phẩm du lịch.
* Xu hướng tất yếu
Các chuyên gia nhận định, sản phẩm du lịch được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa các giá trị tài nguyên du lịch, điều kiện về cơ sở hạ tầng xã hội, hệ thống các dịch vụ và khả năng đáp ứng của các cơ sở du lịch. Cùng với tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong giai đoạn phục hồi du lịch sau dịch COVID-19, trước những thay đổi về tâm lý, thị hiếu của du khách, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào từng khâu của chuỗi dịch vụ cung ứng được xem là xu hướng tất yếu, tạo sự bứt phá cho du lịch trong giai đoạn mới.
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của du khách từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm nhận, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều diễn ra trên môi trường số. Sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp thích ứng nhanh chóng và tận dụng công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động trong thời đại mới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, thực tế cho thấy ngành du lịch đang đứng trước đòi hỏi thay đổi về phương thức quản lý và mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số là một hướng đi cơ bản để nhanh chóng chuyển du lịch thành một ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển trở lại trong những năm tới. Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, đồng thời thuận lợi hơn trong tiếp cận mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Cùng đề cập về lợi ích của chuyển đổi số với lĩnh vực du lịch, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam cho biết: Ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp mang lại hiệu quả rõ rệt. Ví dụ trước đây với 100 “booking” (đặt hàng, đặt chỗ), doanh nghiệp này cần 10 nhân viên/ngày để xử lý thì nay chỉ cần 2 nhân viên và họ cũng không nhất thiết phải đến trụ sở làm việc mà có thể ở bất cứ đâu để xử lý yêu cầu của khách hàng.
* Linh hoạt giải pháp
Thực hiện số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở từng khâu như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, cung ứng dịch vụ, ghi nhận và cá nhân hóa yêu cầu, thị hiếu của từng du khách, gia tăng trải nghiệm cho du khách là đòn bẩy hữu hiệu giúp du lịch nhanh chóng phục hồi và sớm lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước COVID-19. Tuy nhiên, đây là công việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều giải pháp linh hoạt và sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cả người thụ hưởng các dịch vụ.
Thạc sĩ Lê Hữu Nghĩa, Viện Du lịch (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) và cộng sự cho rằng: Các địa phương cần hoàn thành số hóa thông tin tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, ẩm thực… Bên cạnh đó, ban quản lý các điểm đến, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tăng cường triển khai ứng dụng thuyết minh tự động qua thiết bị di động thông minh tại điểm đến, khu du lịch hoặc trên các xe buýt du lịch công cộng.
Theo Thạc sĩ Lê Hữu Nghĩa, chuyển đổi số trong du lịch là quá trình lâu dài, trong khi đó tài chính của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này còn hạn chế. Vì vậy, giải pháp hỗ trợ tài chính cần được thực hiện. Nhà nước cũng cần xã hội hóa nguồn vốn cho các hoạt động đào tạo hỗ trợ các đơn vị giáo dục xây dựng các nền tảng giảng dạy trực tuyến các kỹ năng liên quan đến kinh doanh du lịch. Từng địa phương phối hợp các nhà mạng, các doanh nghiệp kỹ thuật số thiết kế cổng thông tin du lịch địa phương đầy đủ và chính xác. Dữ liệu trên cổng thông tin này đảm bảo kết nối với hệ thống dữ liệu du lịch quốc gia. Các địa phương, doanh nghiệp tăng cường sử dụng mạng xã hội để tiếp thị hình ảnh thương hiệu, ứng dụng công nghệ di dộng và trợ lý ảo trong hỗ trợ thông tin cho du khách.
Từ thực tế của một địa bàn du lịch trọng điểm, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ: Chuyển đổi số là tất yếu, góp phần tạo sức bật mới cho du lịch thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các trang web và ứng dụng du lịch. Trong đó, có trang website cập nhật các thông tin liên quan đến các chính sách, quy định mới và trang website chuyên về quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch, tích hợp bản đồ 3D, clip 360 độ… Ngoài ra, Bản đồ tài nguyên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã được công bố với trên 360 điểm đến, đưa lên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth, tạo thuận lợi cho du khách khi tiếp cận, tìm hiểu các thông tin liên quan đến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Với góc độ doanh nghiệp trực tiếp vận hành, cung ứng nhiều dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp cho du khách, bà Trần Nguyện – Trưởng ban kinh doanh Sun World (thuộc Tập đoàn Sun Group) cho hay, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư nguồn lực tối đa cho công nghệ nhằm nâng cao công tác quản trị, kinh doanh, điều hành, Tập đoàn đã nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, kiện toàn bộ máy để chuẩn hóa quy trình làm việc, báo cáo, thay thế toàn bộ hệ thống họp trực tu
yến, tăng hiệu suất lao động bằng các công cụ số hóa thay vì thủ công như trước. Đặc biệt, doanh nghiệp đã vận hành thành công 2 chương trình ứng dụng dành cho thiết bị di động trong quản trị hệ thống khu vui chơi giải trí và hệ thống khách sạn, resort cao cấp.
Trong khi đó, đề xuất giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số liên quan đến giới thiệu, quảng bá sản phẩm, loại hình du lịch mang tính đặc thù, thế mạnh của từng vùng miền, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon ASSET đề xuất: Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các đơn vị chức năng cần phối hợp số hóa tất cả thông tin trong chuyên trang về du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phân nhóm theo từng vùng phát triển, có bản đồ số hóa các tour, các sản phẩm nông sản, đặc sản ẩm thực, trải nghiệm để vừa góp phần tiết kiệm chi phí quảng bá, vừa tạo thuận tiện cho du khách tìm hiểu thông tin. Qua đó, các đơn vị xây dựng các hội chợ thực tế ảo, giới thiệu, bày bán thường xuyên các đặc sản mang tính vùng miền, góp phần thiết thực phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao./.
Theo BNews/