BNEWS Nhóm ngân hàng chiếm 9/10 cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất trên thị trường trong ngày giao dịch đầu tuần (14/2).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vừa là lực kéo vừa giữ nhịp thị trường trong thời gian gần đây nhưng trong phiên giao dịch hôm nay (14/2) cũng chìm trong sắc đỏ, nhất là vào thời điểm cuối phiên chiều áp lực bán mạnh từ nhóm ngân hàng tác động tiêu cực tới thị trường nói chung; trong đó, phải kể tới các mã VCB, BID, CTG… giảm sâu. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng chiếm 9/10 cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất trên thị trường trong ngày.
Theo giới thạo tin, diễn biến tiêu cực này một phần đến từ áp lực bán trước thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể họp khẩn cấp trước cuộc họp tháng 3 tới; trong đó, có khả năng sẽ công bố tăng lãi suất và lịch trình cho cả năm.
Thị trường hôm nay cũng ghi nhận sự giảm giá ngay từ đầu phiên của hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn. Riêng rổ VN30 chứng kiến 24 mã giảm bao gồm 1 mã giảm sàn, chỉ có 6 mã tăng.
Đà giảm của thị trường cũng đến từ nhóm cổ phiếu chứng khoán khi hầu hết các cổ phiếu cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm trên khá mạnh. Đáng chú ý, những cổ phiếu vốn hóa lớn và đại diện cho ngành như VND, BSI, SSI… giảm trên 3%, VCI giảm sản.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/2, VN-Index giảm 29,75 điểm, xuống 1.471,96 điểm. Toàn sàn có 132 mã tăng, 322 mã giảm và 36 mã đứng giá. HNX-Index giảm 5,88 điểm, xuống 421,01 điểm. Toàn sàn có 159 mã tăng, 68 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,69 điểm, xuống 110,85 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 195 mã giảm và 59 mã đứng giá.
Thanh khoản toàn thị trường đạt 29.779.12 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE ở mức 25.920,89 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục “xả” 293,15 tỷ đồng trên sàn HoSE và mua ròng 15,1 tỷ đồng trên sàn HNX và UPCoM.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí đóng vai trò là trụ đỡ thị trường và là tâm điểm của phiên giao dịch khi phần lớn các cổ phiếu đều cho sức tăng khá ấn tượng gần 2% như hàng loạt mã PVS, PVC, OIL, PLX. PVD hay mã POS được kéo trần, đà tăng tích cực trên cũng được củng cố phần nào từ giá dầu thế giới lên hơn 95 USD/thùng.
Cùng với chứng khoán Việt Nam, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm mạnh trong chiều 14/2 khi căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine và lo ngại về lạm phát khiến các nhà giao dịch thận trọng hơn.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 2% vào chiều thứ Hai khi các nhà đầu tư giảm đặt cược vào các tài sản nhiều rủi ro sau khi Nhà Trắng cảnh báo Nga về căng thẳng liên quan tới vấn đề Ukraine. Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,23% (616,49 điểm) và đóng cửa ở mức 27.079,59 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa giảm mạnh, nối bước phiên lao dốc trên Phố Wall vào thứ Sáu tuần trước. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 1,57% (43,23 điểm) và đóng cửa ở mức 2.704,48 điểm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng giảm điểm của thị trường khu vực. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm tới 1,41% (tương đương 350,09 điểm) xuống 24.556,57 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải mất 0,98% (34,07 điểm) xuống 3.428,88 điểm./.
Theo BNews/