BNEWS Ngày 4/12, tại thành phố Auckland, New Zealand, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp đại diện lãnh đạo các tập đoàn, công ty New Zealand bao gồm Fonterra; Fiso Investment.
Theo Đặc phái viên TTXVN, ngày 4/12, tại thành phố Auckland, New Zealand, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp đại diện lãnh đạo các tập đoàn, công ty New Zealand bao gồm Fonterra; Fiso Investment và Viet River Holdings; RE/MAX và VietTechNZ.
Tại cuộc tiếp ông Mike Cronin – Giám đốc điều hành phụ trách các vấn đề hợp tác của Tập đoàn Fonterra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận kết quả hợp tác của tập đoàn với các doanh nghiệp của Việt Nam như Vinamilk, Nutifood trong cung cấp, phân phối sữa tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay giữa hai nước mới đạt mức gần 2 tỷ USD, đầu tư trực tiếp của New Zealand vào Việt Nam cũng vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Fonterra nghiên cứu mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam và gợi mở thêm những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như chăn nuôi bò sữa, đề nghị Fonterra nghiên cứu triển khai đầu tư tại Việt Nam các trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa để cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng ngay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Tập đoàn Fonterra có thể hợp tác trong đào tạo quản lý, chuyển giao công nghệ, cũng như đầu tư con giống, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ cho các trang trại, đối tác Việt Nam; nhất là sản phẩm sữa chất lượng cao tại Việt Nam và các nước ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ngoài các khuôn khổ thương mại tự do mà hai nước đã ký kết, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, bảo đảm phát triển cạnh tranh lành mạnh.
Ông Mike Cronin cho biết Tập đoàn Fonterra đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1980 chuyên về cung cấp, phân phối các mặt hàng sữa và thực phẩm phục vụ các chuỗi nhà hàng, khách sạn. Đánh giá cao các chính sách thu hút đầu tư ngày càng thực chất và hiệu quả của Việt Nam thời gian qua, Giám đốc tập đoàn cho biết sẽ cùng lãnh đạo tập đoàn nghiên cứu những gợi mở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về mở rộng hợp tác đầu tư, nhất là hướng mở thêm mạng lưới các nhà phân phối.
Giám đốc điều hành phụ trách các vấn đề hợp tác của Tập đoàn Fonterra cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn lâu dài tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Fonterra.
Tại cuộc tiếp Giám đốc điều hành Fiso Investment John Fiso và Giám đốc Công ty Viet River Holdings Nguyễn Trương Khoa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp hai nước và trực tiếp đầu tư vào Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những mục tiêu của chuyến thăm chính thức New Zealand lần này là thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, trong đó hợp tác thương mại-đầu tư là trụ cột quan trọng. Trong chuyến thăm, hai bên sẽ phối hợp tổ chức hai diễn đàn quan trọng về hợp tác giáo dục và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước tìm hiểu, thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Tại cuộc tiếp, lãnh đạo các công ty bày tỏ vinh hạnh được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành thời gian tiếp, đồng thời cho rằng, Việt Nam và New Zealand nói riêng, các nước trong khu vực Nam Thái Bình Dương nói chung có nhiều tương đồng và tiềm năng để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Giám đốc điều hành John Fiso cho biết, hiện Fiso Investment đang đẩy mạnh đầu tư trở lại sau đại dịch COVID-19, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và nhập khẩu các sản phẩm Việt Nam. Fiso Investment cũng đang xúc tiến các hoạt động đầu tư xây dựng trường trung học, trường dạy nghề tại Việt Nam, hợp tác lao động và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang New Zealand.
Về phần mình, CEO Nguyễn Trương Khoa cho biết, Viet River Holdings mong muốn đưa lao động người Việt Nam sang làm việc tại New Zealand vì đây là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng bởi dân số và lực lượng lao động của New Zealand rất ít. Viet River Holdings cũng đang xúc tiến nhập khẩu các sản phẩm tiêu, cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zealand.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao định hướng hợp tác của các công ty tại Việt Nam trong thời gian tới; cho biết, giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam và đề nghị trao đổi cụ thể với các bộ, ngành liên quan để triển khai cụ thể. Về hợp tác lao động, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những mô hình rất thành công trong hợp tác với Australia như lao động kỳ nghỉ, lao động nông nghiệp; đề nghị các doanh nghiệp đề xuất với Chính phủ New Zealand, góp phần thúc đẩy Chính phủ hai nước ký hiệp định về hợp tác lao động, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho lĩnh vực hợp tác này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu thêm nhiều hàng hoá từ Việt Nam và xuất khẩu những mặt hàng New Zealand mà Việt Nam có nhu cầu.
Tại cuộc tiếp lãnh đạo Công ty RE/MAX, Giám đốc điều hành Don Hà cho biết doanh nghiệp là một trong những công ty bất động sản lớn và có thương hiệu lớn của Hoa Kỳ hoạt động thông qua hệ thống nhượng quyền thương mại. RE/MAX mở rộng hoạt động kinh doanh tại New Zealand và thành lập RE/MAX New Zealand từ năm 1996.
Hiện RE/MAX có hơn 145.000 đại lý tại gần 9.000 văn phòng và hiện diện tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên toàn thế giới, các đại lý của RE/MAX đã hoàn tất hơn 2 triệu giao dịch vào năm 2021, trở thành thương hiệu bất động sản đầu tiên làm được điều này trong một năm.
Sau khi nghe báo cáo về các hoạt động của công ty, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng công ty cần chú trọng nghiên cứu thị trường hợp tác lao động, mở rộng cơ hội hợp tác thương mại, tham gia lĩnh vực thế
mạnh là bất động sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn ở Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ kế hoạch nhập khẩu sản phẩm có xuất xứ Việt Nam để mở trung tâm bán hàng và siêu thị điện máy gia dụng tại New Zealand và đề nghị chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan New Zealand tìm ra các biện pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy hợp tác giữa công ty và các doanh nghiệp New Zealand với doanh nghiệp, đối tác Việt Nam.
Cũng trong sáng 4/12, đại diện VietTechNZ đã đến chào Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và báo cáo Chủ tịch Quốc hội về hoạt động của mình, cũng như nỗ lực kết nối các tổ chức và nhân sự làm trong ngành công nghệ thông tin của Việt Nam tại New Zealand.
Sau khi nghe báo cáo về các hoạt động của VietTechNZ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến và các hoạt động, mục tiêu của VietTechNZ với vai trò là tổ chức kết nối mạng lưới tri thức Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại New Zealand, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng người Việt tại New Zealand nói chung. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới cho các tổ chức, mạng lưới tri thức người Việt ở nước ngoài hoạt động, kết nối với mạng lưới tri thức, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ trong nước để phát triển ngành công nghệ hiệu quả, bền vững.
Nhân dịp này, đại diện VietTechNZ đã nêu kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội về việc kết nối giữa các công ty và nhân sự công nghệ thông tin tại New Zealand và giữa Việt Nam và New Zealand, cũng như tìm hiểu về khuôn khổ pháp lý và các cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, hợp tác với các tổ chức, mạng lưới công nghệ khác tại New Zealand.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận một số đề xuất của VietTechNZ, đề nghị VietTechNZ tăng cường hỗ trợ kết nối hiệu quả cộng đồng người Việt trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở New Zealand, đồng thời thông qua Đại sứ quán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo, đóng góp nhiều sáng kiến với tổ chức, hoạt động của cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam tại New Zealand, đóng góp cho quan hệ giữa hai nước./.
Theo BNews/