BNEWS Sáng 17/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc tọa đàm cấp cao với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ – APEC.
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 17/11, tiếp tục chương trình thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc tọa đàm cấp cao với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ – APEC. Sự kiện này còn có sự tham gia của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, chào mừng đại diện các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, những nhà đầu tư quan trọng, gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trên đà phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, buổi tọa đàm lần này là cơ hội để trao đổi, đề xuất và nêu ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thông tin đến các nhà đầu tư về những điểm nhấn chủ yếu của kinh tế Việt Nam thời gian qua, Chủ tịch nước cho biết trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đại dịch COVID-19; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Việt Nam đã và đang tập trung phát huy nội lực để kiểm soát dịch, phục hồi, phát triển kinh tế và đạt được những kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; Việt Nam nằm trong Top 20 thế giới về quy mô thương mại; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%; các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),… dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP trong cả năm 2022 là khoảng 7,5-8,2%; Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa Việt Nam vào Top 20 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu thế giới.
Việt Nam chủ trương chuyển từ “thu hút” vốn FDI sang “hợp tác” với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, bảo vệ môi trường, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ cao, có sự lan tỏa và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam là địa điểm được nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Apple, Dell, Intel, Nike…đầu tư. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bày tỏ trân trọng và hoan nghênh việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi tọa đàm rất có ý nghĩa này, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của Hoa Kỳ đều đánh giá cao thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam các giai đoạn gần đây, luôn ở mức cao so với các khu vực kinh tế khác trên thế giới, đặc biệt là chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài, ứng phó với đại dịch COVID-19, chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô được đảm bảo.
Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ về quãng thời gian nhiều năm làm việc tại Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên nhiều cương vị khác nhau và các cơ quan hữu quan của Việt Nam. Ông Quint Simon – đại diện Amazon web service – cho biết hãng đã tham gia đầu tư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ vài năm qua; bày tỏ mong muốn Việt Nam có chính sách thuận lợi hơn nữa thúc đẩy phát triển các dịch vụ kinh tế số như điện toán đám mây, đảm bảo an ninh mạng; cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số.
Bà Quỳnh Đỗ – đại diện Google – cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã dành cho các hoạt động kinh doanh của Google tại Việt Nam những năm qua; cho biết Google mong muốn tiếp tục tham gia sâu hơn vào tiến trình phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, dân số, chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng; nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin; hoạt động nghiên cứu và phát triển…
Cảm ơn những chia sẻ cởi mở, thẳng thắn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại tọa đàm, đặc biệt là những đánh giá, góp ý chân thành và thiết thực của ông Michael Michalak – một người bạn thân thiết và luôn ủng hộ Việt Nam trong thời gian qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các ý kiến này đã làm rõ hơn những ý tưởng, tầm nhìn, định hướng và giải pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đề cập đến Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Giải đáp kiến nghị, đề xuất của một số tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ nêu ra tại buổi tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành năm 2020, theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về lĩnh vực này theo hướng cởi mở và tăng cường khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, phát huy nội lực, mở cửa nền kinh tế, chuyể
n sang hợp tác FDI có chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh lớn trong các lĩnh vực như: chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin, hoạt động nghiên cứu và phát triển,…
Đây cũng chính là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian tới.
Chỉ rõ tiềm năng của Việt Nam – một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn với chính trị ổn định và môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường lớn 100 triệu dân có sức mua tăng nhanh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, về thể chế, Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và hướng đến các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường – chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ phát triển tốt đẹp hơn, thành công hơn chỉ khi có sự hợp tác hiệu quả thành công của các doanh nghiệp hai bên, trong đó các doanh nghiệp Hoa Kỳ có vai trò dẫn dắt, đi đầu.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới./.
Theo BNews/