Trang chủ » Chủ động phương án nâng cao hiệu quả sản xuất vụ Đông Xuân

Chủ động phương án nâng cao hiệu quả sản xuất vụ Đông Xuân

bởi unexpress

Để vụ Đông Xuân này đạt kết quả cao hơn so với vụ cùng kỳ, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã khuyến cáo nông dân khẩn trương xuống giống đúng thời vụ; chọn giống theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp; đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch cả năm của ngành nông nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, trong những ngày đầu của tháng 12, mặc dù mưa lũ xảy ra đã bổ sung lớn lượng nước cho các hồ chứa, nhưng do địa phương thường xảy ra khô hạn vào những tháng đầu năm nên quan điểm chỉ đạo của tỉnh vẫn là chủ động phương án sản xuất linh hoạt, hiệu quả, tổ chức điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với từng xứ đồng; ứng phó với việc sản xuất lệch vụ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo đó, mục tiêu mà tỉnh Ninh Thuận đưa ra trong vụ Đông Xuân này là phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn thực phẩm, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân; phấn đấu thực hiện đạt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, vừa khắc phục khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Đông Xuân là vụ chính trong năm và thường sản xuất rất có hiệu quả, đặc biệt là đối với tỉnh hay thiếu nước tưới, hai vụ đầu (Hè Thu và vụ Mùa) thường bỏ trồng lúa chuyển sang trồng rau màu. Vì lẽ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương vận động nông dân xuống giống đúng thời vụ và đúng cơ cấu giống.  

Với giống lúa, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến như kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”; ưu tiên lựa chọn các giống ngắn ngày, giống có chất lượng; quản lý và điều tiết nước tiết kiệm, hiệu quả tùy vào giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, dự tính dự báo sâu bệnh kịp thời và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.

Đối với rau màu, ngành nông nghiệp tỉnh cũng xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau, củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài, phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương, cung ứng ngoài tỉnh. Ngành cũng có biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối; đồng thời, chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, không để úng cục bộ trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu.

Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với địa phương và các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong chuyển đổi vụ Đông Xuân năm 2021-2022; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu tư trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, vật tư leo thang.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, chi cục cũng đã rà soát, đề nghị mỗi địa phương xuống giống tập trung từng vùng. Theo đó, vụ chính Đông Xuân được gieo cấy từ ngày 5/12/2021 – 5/1/2022, chậm nhất không quá ngày 15/1/2022. Riêng các địa phương thường hay khó khăn về nguồn nước tưới sẽ cho sản xuất vụ Đông Xuân sớm hơn từ 10 đến 15 ngày để tránh thiếu hụt nước tưới vào cuối vụ.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, nhờ mưa lũ trong những ngày đầu tháng 12 nên tất cả 22 hồ chứa do công ty quản lý đều đầy nước. Đến sáng 8/12, tổng lượng nước đo được ở các hồ chứa đạt 311,49/414,29 triệu m3 dung tích thiết kế; trong đó, có một số hồ phải mở cửa van xả nước với lưu lượng nhỏ để đảm bảo an toàn công trình và một số hồ đang tràn tự do. Như vậy, lượng nước không chỉ tưới cho vụ Đông Xuân mà còn đủ tưới cho cả vụ Mùa 2022 sắp tới nếu canh tác, quản lý điều tiết nguồn nước hợp lý.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm