Trang chủ » Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu chậm giải ngân đầu tư công còn lại của năm 2021

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu chậm giải ngân đầu tư công còn lại của năm 2021

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Cầu Ka Đô kết nối khu đô thị Thạnh Mỹ với khu vực liên xã Ka Đô, Quảng Lập, P’Ró và Cụm công nghiệp Ka Đô. Ảnh minh họa: baolamdong.vn

Tính đến ngày 14/1/2022, tỷ lệ giải ngân vốn các công trình đầu tư công của tỉnh mới đạt 83,3%, còn gần 925 tỷ đồng chưa được giải ngân.

Để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021 với mục tiêu phấn đấu đến ngày 31/1/2022 thực hiện thanh toán giải ngân đạt trên 95%, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện quyết liệt, đồng bộ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; rà soát các dự án chuẩn bị đầu tư và dự kiến triển khai trong năm 2022, giảm số kinh phí bố trí cho các chủ đầu tư giải ngân chậm trong năm 2021.

Các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo ngay từ đầu năm 2022 phải nâng cao trách nhiệm trong tổ chức triển khai các dự án; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, phạm chất lượng công trình. Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên và Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 và năm 2022 được giao…

Các đơn vị xây dựng chuyên ngành được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, thẩm định hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ dự án, kế hoạch đấu thầu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độc thực hiện, đảm bảo chất lượng theo quy định, khẩn trương xử lý hoặc đề xuất xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư của dự án.

Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ đầu tư thanh toán giải ngân vốn, bố trí công chức làm thêm cả ngày thứ 7, chủ nhật; kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán vốn đầu tư, giải quyết thủ tục thanh toán vốn nhanh, gọn, đúng quy định.

Theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, trong tổng số vốn đầu tư công được bố trí năm 2021 của tỉnh là gần 5.534 tỷ đồng, nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư mới giải ngân được 4.610 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như huyện Di Linh mới được 79,8% huyện Đạ Tẻh được 72,9%, huyện Cát Tiên được 69,9%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được 74,7%, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được 50,7%, Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Lộc Sơn – Phú Hội giải ngân được 54,1%, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được 50,1%, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được 42,6%…. Thậm chí có đơn vị như Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm chỉ giải ngân được 19,4%. Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chung của tỉnh.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm