Trang chủ » Chia sẻ giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại sang các thị trường

Chia sẻ giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại sang các thị trường

bởi unexpress

BNEWS Chiều 31/10, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022”.

Hội nghị được tổ chức theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Đây là hội nghị thứ 4 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7 trở lại đây.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trước hội nghị, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp tài liệu báo cáo tình hình thị trường cập nhật trong tháng, một số quy định, chính sách điều chỉnh mới của thị trường sở tại có tác động tới thương mại với Việt Nam và các khuyến nghị về hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp tại nước sở tại làm cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10/2022 ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD).
Đặc biệt, về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú, trong thời gian còn lại của năm 2022, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.
Hơn nữa, trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và hạn chế rủi ro
Trước thực tế trên, hội nghị lần này tiếp tục tạo cầu nối cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp trong nước kết nối trực tiếp với các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các đại diện thương mại, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài hiệu quả cùng thực hiện định hướng, nhiệm vụ “đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá các chuỗi cung ứng, phấn đấu thặng dự thương mại bền vững” Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đề ra.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho hay, trong tháng 11/2022, có một số doanh nghiệp dệt may của Canada vào Việt Nam để tìm nhà cung cấp và thăm dò khả năng hợp tác. Thương vụ đã gửi thư cho Hiệp hội Dệt may Việt Nam và đề nghị quan tâm hỗ trợ.

Ngoài ra, Thương vụ đang triển khai Đề án quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam qua hệ thống nhà hàng Việt tại Canada, tạo hệ thống showroom diện rộng trưng bày các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam trên toàn lãnh thổ Canada. Do đó, đề nghị Hiệp hội Xuất nhập khẩu thực phẩm Việt Nam vận động các doanh nghiệp gửi mẫu hàng cho Thương vụ để triển khai đề án này.
Bà Trần Thu Quỳnh cũng lưu ý Hiệp hội cơ khí-điện máy-gia dụng: Thương vụ nhận được một số yêu cầu tìm nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm như dây cáp, đèn led, giấy gia dụng giấy ăn, giấy bếp, giấy toilet, giấy phủ giường khám nên các doanh nghiệp có nhu cầu xin trao đổi thêm với Thương vụ.
Mặt khác, Thương vụ đã nhận được thông tin về Hội chợ đồ gỗ của Hawa và đã đăng tải lên trang thông tin của Thương vụ và chuyển đến một số doanh nghiệp thân thiết. Hiện nay, Thương vụ vẫn đang thăm dò khả năng phối hợp với Liên minh nội thất Canada để tổ chức Đoàn mua hàng vào Việt Nam.
Tại hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đề xuất địa phương, hiệp hội bố trí kinh phí xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương, thành viên hiệp hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường này. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Thương vụ trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến tại thị trường Australia.
Ngoài ra, với doanh nghiệp đang có đơn hàng chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Australia cần đảm bảo việc hàng hóa đã đáp ứng các điều kiện nhập khẩu an toàn sinh học và chuẩn bị đầy đủ tài liệu nhập khẩu tối thiểu theo quy định; đảm bảo các thùng chứa hàng hóa và thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ đúng yêu cầu, sạch sẽ để hạn chế các rủi ro sẽ ảnh hưởng tới tiến độ kiểm tra hàng hóa; chủ động thông tin với Thương vụ đối với các lô hàng chờ kiểm tra thông quan trong thời điểm này để Thương vụ cùng hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là những mặt hàng cần bảo quản đặc biệt và thời gian sử dụng ngắn và đặc biệt lưu tâm chất lượng sản phẩm.
Thương vụ cũng đề nghị doanh nghiệp cập nhật thường xuyên những quy định của Australia; chủ động theo dõi, trao đổi với nhà nhập khẩu, đơn vị tư vấn luật, Thương vụ để tránh vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất khẩu hàng hóa; chủ động phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương để triể
n khai hiệu quả nhất các hoạt động xúc tiến tại thị trường Australia.
Theo ông Bùi Vương Anh, Tham tán thương mại tại CHLB Đức, trong tháng 10, Thương vụ Việt Nam tại Đức đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan Xúc tiến đầu tư bang North Rhine Westphalia NRW. Global Business tổ chức thành công bàn tròn hợp tác kinh tế Việt Nam – Đức trong lĩnh vực logistics tại Dusseldorf, bang North Rhine Westphalia;
Cùng đó, Thương vụ đã phối hợp với cảng vụ Hamburg tổ chức cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham quan, khảo sát cảng biển Hamburg, tìm hiểu về cách vận hành dịch vụ cảng biển logistics. Hamburg là cảng lớn nhất Đức, được gọi là “cửa ngõ vào thế giới”.
Đây là cảng nhộn nhịp, sôi động thứ hai tại châu Âu về về lượng TEU thông qua, và lớn thứ 11 trên toàn thế giới. Trong khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp đã có buổi làm việc hiệu quả với Bộ Kinh tế và Đổi mới Hamburg và Hiệp hội doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (OAV).
Hơn nữa, đoàn doanh nghiệp logistics Việt Nam đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức; Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các doanh nhân Việt kiều tại Đức; tìm hiểu thêm về tiềm năng hợp tác logistics của Đức thông qua kênh người Việt – một kênh cầu nối hữu hiệu cho doanh nghiệp hai nước.
Mặt khác, Thương vụ đã tổ chức cho đoàn các buổi khảo sát tại Amazon Leipzig, Hàng không và Hội chợ Leipzig để tìm hiểu thực tế về hệ thống logistics của Amazon cũng như cách vận hành vận tải hàng không của Đức; thúc đẩy một số hoạt động xúc tiến thương mại tại bang North Rhine Westphalia, làm việc với phòng thương mại và công nghiệp IHK Dusseldorf; hoạt động tại Hamburg, làm việc với Neumann Kaffee Group về hợp tác cà phê, Tập đoàn Wünsche Group xúc tiến thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thực phẩm của Việt Nam sang Đức.
Riêng về việc hỗ trợ tư vấn pháp lý, xử lý rủi ro xuất khẩu, Thương vụ đã tích cực làm việc với một số công ty nhập khẩu thủy sản của Đức, Hiệp hội Thủy sản Đức đề nghị phía Đức vận động EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam; hỗ trợ tư vấn về các quy định xuất nhập khẩu, kiểm dịch, các loại giấy chứng nhận… cho một số doanh nghiệp Việt Nam và Đức.
Theo ông Bùi Vương Anh, trong 2 tháng cuối năm, Thương vụ sẽ theo dõi, chuẩn bị một số chương trình làm việc của doanh nghiệp Đức bên lề chuyến thăm của Thủ tướng Đức sang Việt Nam vào ngày 13-14/11 tới. 

Bên cạnh đó, Thương vụ còn hỗ trợ, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại trong lĩnh vực cà phê cho đoàn Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam; tiếp tục làm việc với các bang, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như nông thủy sản, năng lượng, logistics, công nghiệp chế biến thực phẩm;  hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh, mở rộng các DeskVietnam tại các bang của Đức./. 

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm