BNEWS EU không nên “lao vào cuộc chiến thương mại” với Mỹ để phản ứng lại các biện pháp bảo hộ của Đạo luật Giảm lạm phát được Washington thông qua mới đây.
Phát biểu tại Diễn đàn Toàn cầu về Cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), được tổ chức 1/12 tại thủ đô Paris, Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu phụ trách Cạnh tranh Margrethe Vestager cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần tránh cuộc chiến thương mại với Washington.
Theo bà Margrethe Vestager, EU không nên “lao vào cuộc chiến thương mại” với Mỹ để phản ứng lại các biện pháp bảo hộ của Đạo luật Giảm lạm phát được Washington thông qua mới đây. Phát biểu tại Diễn đàn Toàn cầu về Cạnh tranh của OECD, bà nhấn mạnh “Chúng ta không thể tham gia hai cuộc chiến cùng một lúc”.
Theo bà, EU đang phải đối mặt với căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine và những hậu quả mà nó gây ra, cũng như việc Tổng thống Nga Vladimir Putin gây sức ép bằng lá bài năng lượng đối với châu Âu. Bà Margrethe Vestager “tin” rằng bất đồng này sẽ sớm được giải quyết thông qua đàm phán.
Quan chức trên không đồng ý với quan điểm của một số người khác trong Ủy ban, đòi kháng cáo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bởi vì theo bà việc này sẽ mất rất nhiều thời gian. Bà trông đợi vào cuộc họp của Hội đồng Công nghệ và Thương mại xuyên Đại Tây Dương dự kiến diễn ra ở Washington vào tuần tới để đạt được tiến bộ trong hồ sơ này, giống như trường hợp trước đây về trợ cấp trong chất bán dẫn. Trên thực tế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về những căng thẳng này với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, kết thúc vào ngày 2/12.
Liên quan đến ý tưởng “Đạo luật mua châu Âu” do Tổng thống Pháp đưa ra nhằm ưu tiên các đơn đặt hàng công cho các công ty của EU, bà Margrethe Vestager tuyên bố “không đưa ra ý kiến” vì “không ai biết sẽ có gì trong đó”, đồng thời cho biết châu Âu đang xem xét những phương tiện sẵn có để nhanh chóng giải quyết các vấn đề được đặt ra, trong đó có việc tái cân bằng sự khác biệt cơ bản trong quan niệm về trợ giúp của nhà nước ở cả hai bờ Đại Tây Dương để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.
Bà Margrethe Vestager giải thích châu Âu sẽ đánh thuế các đối tượng yếu kém, và dùng số tiền đó để hỗ trợ các công ty thực hiện tốt tiến trình chuyển đổi này. Đối với các công ty, Ủy ban khuyến nghị chỉ trợ cấp hóa đơn năng lượng tối đa bằng 70% mức tiêu thụ trước đó, để khuyến khích quá trình khử carbon.
Bà Margrethe Vestager cũng cho biết hiện EU có nhiều khoản tài trợ và điều quan trọng là viện trợ công phải phù hợp với nhu cầu, được kiểm soát và minh bạch. Điều này cũng nhằm ngăn chặn sự bóp méo cạnh tranh trong chính thị trường chung châu Âu. Trong thời gian xảy ra đại dịch, Ủy ban tại Brussels đã phê duyệt khoản viện trợ nhà nước trị giá 3.000 tỷ euro, trong đó chỉ có 30% được giải ngân. Chế độ ngoại lệ đối với các quy tắc về hỗ trợ kinh doanh đã được gia hạn cho đến cuối năm 2023 và được xem xét lại hai lần trong năm nay khi EU đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trong số 525 tỷ euro đã được Brussels phê duyệt, một nửa trong số đó dành cho Đức và 30% dành cho Pháp. Theo bà Vestager, gói hỗ trợ khổng lồ trị giá 200 tỷ euro của Đức dành cho nền kinh tế nước này đã làm dấy lên những lo ngại. Tuy nhiên “miễn là vẫn ở trong khuôn khổ do EU xác định, nguy cơ phân mảnh thị trường chung là rất thấp”./.
Theo BNews/