Kinh Bắc là nơi có gốc tích ca trù, đó là Lỗ Khê. Trước năm 1945, Lỗ Khê (tên Nôm là làng Rỗ) thuộc xã Lỗ Khê, tổng Hà Lỗ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1961 Lỗ Khê mới chuyển về Hà Nội. Làng có đình chùa riêng.
Trong làng còn có một ngôi đình thờ tổ ca trù, gọi là đình ca công. Đình ca công xây dựng từ bao giờ không rõ. Về mặt kiến trúc, quy mô hiện nay gồm 5 gian, kiến trúc như nhà ở dân dụng bình thường.
Về tư liệu Hán Nôm đình còn giữ được một bản thần tích, một bức hoành phi. Ngoài ra ở đây còn có bức phù điêu các vị tổ ca trù, gồm một nam một nữ. Trong đền có bức hoành phi sơn son thếp vàng đề ba chữ Sinh từ tự điển (Đền thờ từ lúc còn sống). Đền thờ tổ ca trù trước hết là nơi diễn ra lễ tế tổ hàng năm vào ngày11 tháng Chạp. Trong ngày lễ tế tổ các đào nương hát thờ trước điện hai khúc Non Mai và Hồng Hạnh. Tương truyền, chính Đức tổ bà đã làm ra hai khúc hát này nên chỉ để hát dâng trước điện thờ tổ, trong ngày tế tổ hàng năm. Cũng chính vì khó hát, và ít người nhớ được, nên thơ Non Mai và phú Hồng Hạnh chỉ do các ả đào già trình bày. Ngày lễ tế tổ là dịp để các giáo phường gặp gỡ nhau, sau nhiều tháng ngày xa cách. Có thể họ sẽ tổ chức một buổi hát thi, hoặc tổ chức lễ mở xiêm áo cho một vài cô đào trẻ …
Năm 1984, Trung tâm Nghe Nhìn (nay là Hãng Phim truyền hình Việt Nam) đã tổ chức làm phim “Hát cửa đình” tại Lỗ Khê. Đây cũng là dịp tập trung nhiều nhất các danh ca, danh cầm nổi tiếng trong giới ca trù như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Hào, Chu Văn Du, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức, Phạm Thị Mùi …
Thần tích Giáo phường tổ sư Lỗ Khê hiện cũng còn lưu một bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Thần tích do các văn thần ở điện Tập Hiền soạn cho biết các vị tổ ca trù đã được vua phong là Thanh Xà Đại vương và Mãn Đường Hoa là công chúa.
Tư liệu sớm nhất, xác thực nhất cho biết ca trù có mặt trên đất Kinh Bắc là vào năm 1681(niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5), trong văn bia Bản huyện giáo phường lập bi hiện đang để tại đình Trung Việt, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Nội dung của văn bia ghi việc một số vị trong giáo phường xã Đông Lâm, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, vì có ngoại tổ họ Hà là Phúc Đạo, ở xã Trung Trật trước có mở nghiệp giáo phường, sinh con gái Hà Thị Khánh lấy chồng họ Nguyễn ở Đông Lâm và tạo nên giáo phường ở đây. Nay các vị trong giáo phường xã Đông Lâm nhớ đến ân nghĩa sinh thành của ngoại tổ, tỏ lòng báo đáp, đặt ra lệ, hễ đình Trung Trật có mở tiệc thì các khoản tiền tiệc, tiền khao và tiền lễ xông đình, các khoản tiền làm cỗ, thảy đều do giáo phường Đông Lâm trang trải. Phần cuối có hai bài minh. Mặt sau ghi tên các vị ngoại tổ họ Hà do dân xã Trung Trật cúng giỗ. Đây cũng là tấm bia có niên đại sớm trong số gần 70 văn bia đã phát hiện liên quan đến việc mua bán quyền giữ cửa đình.
Văn bia Đoạn mại các lệ tiền, tạo năm Cảnh Hưng 46 (1785) của xã Thiện Mỹ, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà cũng ghi nhận: giáo phường huyện thiếu tiền quan dịch nên bán các lệ thu tiền hát cửa đình, đền miếu cho quan viên xã Thiện Mỹ với giá 130 quan. Từ nay các lệ thu tiền phải dừng lại, nhưng vẫn được hưởng một số mâm cỗ.
Trên đây là tư liệu thành văn, và niên đại sớm nhất hiện biết là vào năm 1681. Tư liệu mỹ thuật thì có niên đại sớm hơn nhiều. Những tư liệu mỹ thuật, khảo cổ cho chúng ta biết Kinh Bắc có ca trù từ rất sớm, gắn với sinh hoạt làng xã. Đó là hai bức chạm hình đàn đáy ở đình Lỗ Hạnh. Bức thứ nhất chạm một tiên nữ đang gảy đàn đáy cưỡi trên con hươu. Con hươu là một con vật gắn với các vị tiên, vì thế có thể xem bức chạm này là một biểu hiện ca ngợi vẻ đẹp của âm nhạc ca trù. Bức chạm thứ hai chạm một cảnh hòa nhạc vui vẻ của một nhóm nhạc công, trong đó có một người đàn ông đang chơi đàn đáy.
Tất cả những người tham gia cuộc chợi đều rất mê say hào hứng. Niên đại của các bức chạm này được xác định là thuộc phong cách nghệ thuật thế kỷ 16. Đình Lỗ Hạnh là một trong 6 ngôi đình có niên đại sớm nhất trong cả nước, thuộc thế kỷ 16. Trong số 6 ngôi đình này cũng chỉ có hai ngôi đình là Lỗ Hạnh và Tây Đằng (huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) là nơi có các bức chạm hình người cầm đàn đáy.
Cây đàn đáy là một nhạc cụ chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Và đàn đáy cũng chỉ dùng trong khi hát ca trù một thể loại ca nhạc độc đáo của người Việt, trở thành một nhân tố đặc trưng, khu biệt hát ả đào với các thể loại ca nhạc khác. Đàn đáy cho một âm thanh trầm đục sâu lắng nền nã, hoà với tiếng phách có âm thanh sắc giòn tạo nên một sự đối chọi âm thanh vừa độc lập lại vừa bén quyện. Thỉnh thoảng lại xen một tiếng trống chầu gọn chắc, đĩnh đạc, khiến cho cuộc hát rất thi vị, mà trong đó chủ khách vừa tôn vinh nhau, lại vừa khẳng định sự độc lập và chủ động của mình.
Cho đến nay chúng ta biết Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) là tư liệu Hán Nôm sớm nhất ghi nhận sự có mặt của đàn đáy. Trong tình hình như vậy, các bức chạm về đàn đáy ở thế kỷ 16 được phát hiện ở ngôi đình cổ Lỗ Hạnh là những tư liệu quý, không những cho thấy sự phong phú của truyền thống văn hóa văn nghệ Kinh Bắc trong lịch sử mà còn góp phần vào việc tìm hiểu các giá trị văn hóa và âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Tìm hiểu về ca trù Kinh Bắc, xin nhắc đến Lan Trì Ngư giả Vũ Trinh, người xã Xuân Quan, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Vũ Trinh có tác phẩm Lan Trì kiến văn lục được lưu truyền rộng rãi ở đời.
Trong sách này có câu chuyện kể về người ca nữ họ Nguyễn rất thú vị. Chuyện rằng: thư sinh Vũ Khâm Lân, quê xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ (nay là huyện Tứ Lộc, Hải Dương), vì dì ghẻ độc ác hà hiếp nên phải bỏ nhà lang thang xin ăn độ nhật. Khi đến làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm xin ăn ở trường ông Hương cống thì được thương và
chu cấp cho ăn học. Trong đêm hội làng Dịch Vọng, chàng đã lọt vào mắt xanh của nàng ca nhi họ Nguyễn quê ở Chương Đức kiếm sống bằng nghề đàn hát ở Thăng Long, được nàng giúp ăn học và đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Bảo Thái thứ 8 (1727).
Nhắc đến ca trù Kinh Bắc, không thể không nhắc đến Quách Thị Hồ, nghệ sĩ lớn nhất của ngành ca trù trong thế kỷ 20. Bà sinh ra ở làng Ngọc Bộ, Kinh Bắc. Mẹ bà là một danh ca, đã từng đạt giải á nguyên trong một cuộc thi hát. Bà đã sớm đi theo nghiệp cầm ca của mẹ, lần hồi qua biết bao nhiêu tiệc tùng chốn cao môn lệnh tộc, bao đình đền trong các làng quê Bắc bộ.
Tiếng phách tre và giọng hát lạ lùng, có sức hút ghê gớm của bà đã từng làm bao khách nghe sành điệu phải mê tơi. Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy.
Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ. Bà đã làm tái sinh những câu thơ tưởng chừng đã ngủ yên trên mặt giấy, khiến cho câu thơ, tứ thơ trở nên hào hoa, sang trọng và sống động.
Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về Âm nhạc so sánh đã trao bằng danh dự cho bà vì công lao đặc biệt trọng việc bảo tồn một bộ môn âm nhạc truyền thống có giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Và từ đó tên tuổi của bà cùng tiếng hát ca trù độc đáo của Việt Nam trở nên vang lừng trong bốn biển. Năm 1988 tại Liên hoan Quốc tế Âm nhạc truyền thống ở Bình Nhưỡng, có sự tham gia của 29 quốc gia, băng ghi âm tiếng hát của bà đại diện cho Việt Nam đã được xếp hạng cao nhất. Sau đó, Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Và cho đến hôm nay, bà là người đầu tiên và duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ngành Ca trù.
Gần đây, cùng với các tỉnh thành bạn, tỉnh Bắc Ninh cũng đã xây dựng được một câu lạc bộ ca trù từ tháng 10 năm 2002. CLB Ca trù Bắc Ninh có tay đàn đáy Nguyễn Văn Hiệp, các đào nương Nguyễn Thị Minh Hằng, Ngô Kiều Oanh, Nguyễn Thu Huệ và một “quan viên” sử dụng trống chầu là Đặng Thanh Ngân. Đây là lớp “đào non” mới bước vào chặng đầu của con đường học tập nhưng thanh sắc đã có nhiều hứa hẹn.
Kinh Bắc cũng có rất nhiều người chuộng sáng tác hát nói ca trù như Vũ Đình ứng (thị xã Bắc Ninh), Đăng Bạ, Hoàng Hợp (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Thơ hát nói của các vị như những đóa hoa góp thêm cho vườn thơ xứ Kinh Bắc thêm hương sắc, ca ngợi cuộc sống mới hôm nay.
Kinh Bắc là vùng đất văn hiến, nhiều danh lam thắng tích, nhiều lễ hội và là một trung tâm văn hoá lâu đời và tiêu biểu của văn hoá người Việt ở châu thổ Bắc bộ. Kinh Bắc không chỉ là nơi giỏi về chuyện ẩm thực như câu thành ngữ “Ăn (Kinh) Bắc, mặc Kinh (Kỳ)”, mà còn là nơi hội tụ của nhiều điệu dân ca, dân nhạc như quan họ, ca trù. Về ca trù, Kinh Bắc cũng là cái nôi gìn giữ, nuôi dưỡng ca trù với sự tích tổ nghề, đình ca công, văn bia và các bức chạm của nghệ nhân dân gian. Kinh Bắc còn có các văn nhân và đào nương sinh ra từ miền quê này, góp phần tôn vinh nghệ thuật ca trù.
TS. Nguyễn Xuân Diện
_________________
Nguồn:http://nguyenxuandien.multiply.com/journal/item/35/35
hiephoa.net đăng lại ngày 6/12/2009