Bài 1. Chợ phiên
Chợ làng năm buổi hai phiên
Không đi cũng nhớ thành quen nếp rồi
Chợ phiên mua đứng bán ngồi
Không mua cũng hỏi cho tôi hởi lòng
Chợ phiên khi vắng khi đông
vẫn luôn luôn họp chẳng không phiên nào.
Quang Tính
Bài 2. Vịnh con trâu
Hiền lành nhu thuận sống cùng người
Tuổi thọ cần chi biết mấy mươi
Mùa vụ làm ăn luôn gắng sức
Sớm hôm cày kéo chẳng chây lười
Vui xuân trâu chọi nghênh nghênh bước
Vào trận xông ra húc húc nhanh
Đâu chỉ trâu hiền luôn dễ dắt
Hội vui, trâu cũng diễn trò chơi
Xuân Kỷ Sửu 2009
Quang Tính
Bài 3. Cảnh sông quê về đêm
Sông đêm nay quá đẹp
Sóng biếc vỗ long bong
Ta đứng trên bờ liễu
Ngắm thuyền ai dưới dòng
Buồm căng đầy ắp gió
Thuyền nhẹ lướt băng băng
Ta thả hồn vào mộng
Mơ màng ngắm ánh trăng
Nguyễn Văn Thi
Bài 4. Cảnh sông quê
Sông quê yêu dấu nước trong veo
Sóng biếc, đò giang rộn mái chèo
Đêm sáng trăng soi bày vạc hát
Chiều vàng cá lượnlũ cò theo
Đôi bờ tơ liễu buông mành múa
Trênbến thông, tùng vuốt tóc reo
Phong cảnh này mê hồn lữ khách
Người qua, kẻ lại thắm tình đeo
Nguyễn Văn Thi
Bài 5. Tình xuân đôi bờ
Đôi bờ sông cách xa nhau
Linh Tào*, Làng Bến* kết giao tâm tình
Dòng sông như dải lụa xinh
Đò em in mãi dáng hình siêu siêu
Giờ đây đã có cầu kiều *
Nối đôi bờ dải lụa điều thướt tha
Cây cầu lộng lẫy nguy nga
Rộng dài vững trãi làm ta sững sờ
Cầu đây không phải trong mơ
Tình xuân đôi lứa bây giờ gần nhau
Linh Tào, Làng Bến – Quỳnh Giao
Ngày xuân vui đã có cầu nối xuân
Nguyễn Văn Chín
* Cầu Vát nối hai bờ sông Cầu – hai làng
Linh Tào, Làng Bến
Bài 6. Khúc Bạc quê tôi
Khúc Bạc* xóm cũ quê xưa
Đồi hoang đồng rộng xóm thưa bóng người
Ngày nay người ở chật đồi
Vải thiều, hồng, nhãn xanh tươi khắp làng
Nhà nhà xây dựng khang trang
Giao thông rộng mở thênh thang mọi đường
Trẻ em lớp lớp đến trường
Áo hoa xúng xính rợp đường đó đây
Máy sát ròn rã đêm ngày
Công nông, xe máy ngày ngày lại qua
Nhà tầng cửa gắn kính hoa
lung linh ánh điện hắt ra ngoài đường
Gió nam đưa ngát mùi hương
Quyện trong hương bưởi có hương hoa nhài
Khúc Bạc đang đổi thay rồi
Theo đường của Đảng quê tôi vươn mình
Nguyễn Văn Chín
* Tên cũ của thôn Tân Hiệp ngày nay
Bài 7. Phong cảnh cây tùng
Từ thủa sơ sinh đến lúc già
Hiên ngang đâu biết sợ phong ba
Trồng trưen cát, sỏi đều xanh tốt
Sống dưới nắng sương vẫn nuột bà
Tuổi nhỏ đã mang mầu quý phái
Khi to càng thấy rõ kiêu sa
Người đời xếp nó vào hàng tướng
Phonh cách cây tùng đáng ngợi ca
Nguyễn Văn Thi
Bài 8. Gọi lúa
Cây lúa tròn lưng – mẹ gọi thì con gái
Lúa đứng bụi – mẹ gọi thì ngậm đồng
Tên cây lúa mẹ gọi sao khéo thế
Gọi lúa thôi như thể gọi người
Con gọi lúa, gọi của niềm vui
Như có một quãng đời
Cây lúa còng dáng lưng của mẹ
Mẹ không lấy đời mình gọi đời cây lúa
Chỉ lặng lẽ chiêm mùa cấy lúa nuôi con
Nguyễn Quang Vinh
Bài 9. Lối xưa
Lối xưa em dạo chơi,
Vườn xuân hoa đào nở,
Tóc buông mềm bay xõa.
Ta nhặt cánh hoa rơi,
Vệt chân trần vương cỏ,
Lối xưa cát mịn màng.
Đêm về nhớ bóng em,
Sắc hoa nhòe nỗi nhớ.
Vệt chân trần xênh gió
Nhớ thì nhặt sỏi nhỏ
Xếp dấu bàn chân em
Nguyễn Quang Vinh
Bài 10. Chợ phố Thường
Phố Thường có chợ của quê tôi
Hộ đã đem ra bán mất rồi
Để lại ngõ dài vài chục mét
Đôi bên chật hẹp sặc mùi hôi
Đến phiên chợ họp lưa thưa khách
Hãy thử đếm xem được mấy người
Hỏi nhà chức trách có ai hay
Bỏ phí cảnh quan của đất này
Hàng hóa đôi bên dài dẫy phố
Ngược xuôi xe chạy suốt đêm ngày
Lưu thông hàng hóa quê ta đó
Khách cả tứ phương đã tới đây
Thôi thì mất chợ, tên còn đó
Mang tiếng nơi đây chợ phố Thường
Nguyễn Văn Tuyết
Bài 11. Đời cô lái đò
Vát xưa sông chửa bắc cầu
Đời em chịu cảnh làm dâu muôn người
Sông sâu tệ lắm người ơi
Bắt em đưa đẩy, đêm bơi, ngày chèo
Một thân với một mái chèo
Khách qua chỉ biết nhìn theo ngậm sầu
Nguyễn Văn Thi
Bài 12. Vườn tôi
Vườn này đâu phải kém gì ai
Sen kẽ hàng cau một khóm nhài
Nhãn, vải, hồng, na, cam, khế ngọt
Quỳnh, lan, cúc, huệ, quất, đào, mai
Chiều tà bóng mát tha hồ ngắm
Sáng sớm dạo chơi thích cứ sài
Thoang thoảng hương thơm mầu sắc đẹp
Vườn này đâu phải kém gì ai
Nguyễn Văn Tuyết
Bài 13. Được mùa khoai
Vụ này Thường Thắng được mùa khoai
Đón tết mừng xuân tiền bán khoai
Con cháu tha hồ may áo mới
Ông bà thả sức chén từ khoai
Vào Nam ra Bắc bao nhiêu chuyến
Xe chạy Đông Tây đầy ắp khoai
Khách đến quê tôi càng thấy rõ
Đất Thường pha cát hợp cây khoai
Nguyễn Văn Tuyết
Bài 14. Đêm quê
Đêm về ngủ lại quê xưa
Tưởng như cánh võng đu đưa chiến hào
Lời ru tiếng mẹ hôm nào
Bàn tay vỗ nhẹ ấm vào tuổi thơ
Đêm về ngủ lại vườn xưa
Tiếng con chim cuốc bâng quơ canh chầy
Chích chòe dậy sớm học bài
Như chim cu gáy những ngày đèo cao
Về quê ngủ, nhớ đêm nào
Vi vu tiếng gió, lao xao tiếng cười
Quên đi “ bụi khói”trên người
Giấc quê gói trọn cuộc đời chiến binh
Dương Vi Ẩn
Bài 15. Hòn non bộ
Xem hòn non bộ ngẫm càng hay
Lã Vọng buông câu suốt tháng ngày
Ngũ phúc đồng tâm làm việc nghĩa
Tam đa biểu tượng diệu kỳ thay
Đây chùa Bà Cốt hoang vu lạ
Đấy cậu tiều phu ngậm đắng cay
Hòn đá trồng lên bao điển tích
Khen ai khéo tạo bức tranh này
Nguyễn Văn Thi
Bài 16. Trái ngọt quê nhà
Dòng sông mây nước lững lờ trôi
Thông núi Y-Sơn đứng giữa trời
Gió đồi vương áo người thôn nữ
Trăng sáng soi vàng đất nước tôi.
Lúa xanh ngát, hẹn mùa thu hoạch,
Vải trắng hoa, đón vụ quadr hồng,
Cây xoài nặng trái, xanh màu lá,
Na, nhãn quanh vườn kéo kín hoa.
Trong vườn cây, ai hát khẽ bên ta,
Mấy vòng tròn quanh đồi cây biếc,
Kỷ niệm này không ai quen biết,
Chỉ mình ta giữ trọn lúc chia tay.
Trái ngọt quê nhà em đợi người xa
Như lúc ra đi thẹn thùng cầm quả chín
Đặt lên tay mình hơi âm ấm
Hẹn ngày về, ta nắm chặt nhau hơn
Xuân Kỷ Sửu 2009
Nguyễn Minh Họa