Trang chủ » Cần Thơ thực hiện 8 dự án giao thông trọng điểm

Cần Thơ thực hiện 8 dự án giao thông trọng điểm

bởi unexpress

BNEWS Đây là các dự án có vốn đầu tư lớn, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối nội tỉnh của Cần Thơ và của Cần Thơ với các địa phương trong vùng.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ diễn ra chiều 7/1, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, năm 2021, đơn vị được UBND thành phố Cần Thơ giao thực hiện chuẩn bị đầu tư 16 dự án; trong đó, có 8 dự án trọng điểm.
Đó là các dự án đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C); dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 923; dự án cầu Cờ Đỏ trên Đường tỉnh 919, huyện Cờ Đỏ; dự án cầu Tây Đô, huyện Phong Điền; dự án trục đường hẻm 91 (đoạn Long Tuyền – đường Vành đai phía Tây thành phố); dự án nâng cấp, cải tạo 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn thành phố Cần Thơ; dự án đầu tư xây dựng đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; dự án nâng cấp, mở rộng đường nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ (đoạn thuộc thành phố Cần Thơ).
Đây là các dự án có vốn đầu tư lớn, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối nội tỉnh của Cần Thơ và của Cần Thơ với các địa phương trong vùng; trong đó, dự án có vốn đầu tư lớn nhất là tuyến đường vành đai phía Tây dài 19,4 km, vốn đầu tư 3.840 tỷ đồng, xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2026. Tuyến có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn đi qua quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, nối với Quốc lộ 61C. Dự án có mặt đường rộng 80 m; trong đó, phần xe chạy rộng 30 m, vận tốc 60 – 80 km/h, đường gom 22 m, hè đường 16 m, dải phân cách 3 m, đất dự trữ 9 m.

Đối với giải ngân vốn đầu tư các dự án trong năm qua, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết, đến nay đã giải ngân hơn 78,3 tỷ đồng, đạt trên 90% kế hoạch vốn được giao, số chưa giải ngân là gần 8,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ cũng được UBND thành phố giao gần 81 tỷ đồng để thực hiện duy tu, sửa chữa, đảm bảo giao thông các tuyến đường tỉnh, đường thủy nội địa do đơn vị quản lý. Đến ngày 31/12/2021, các công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp giao thông và bảo trì đường bộ đạt trên 95%.
Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa hơn 285 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 193 cầu giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 450 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hơn 316,5 tỷ đồng, người dân đóng góp 134 tỷ đồng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đánh giá trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian thực hiện nhiệm vụ ít do phải tập trung cho phòng, chống dịch, nhưng Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, thực hiện giải ngân vốn xây dựng cơ bản đối với các dự án được thành phố giao đạt trên 90%.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải quan tâm hơn nữa các chương trình, dự án của Bộ Giao thông Vận tải đã và đang được triển khai đi qua địa bàn Cần Thơ.

Cùng đó, tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các dự án giao thông đã được HĐND thành phố thông qua và được UBND thành phố giao cho đơn vị thực hiện trong năm 2022.
Ông Nguyễn Ngọc Hè cũng lưu ý Sở Giao thông Vận tải khi giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện, nhất là tiến độ 8 dự án trọng điểm để tránh tình trạng phát sinh vướng mắc, dẫn đến không kiểm soát được tiến độ thực hiện của từng dự án.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu ngành giao thông vận tải thường xuyên duy tu, sữa chữa các tuyến đường giao thông; trong đó, các tuyến đường do Sở Giao thông Vận tải quản lý buộc phải có kế hoạch triển khai kịp thời. Đối với các tuyến đường, cầu giao thông thuộc phạm vi quận, huyện quản lý thì Sở Giao thông Vận tải có văn bản kiến nghị với địa phương.
Những tuyến thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải thì Sở Giao thông Vận tải kịp thời tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải để có kế hoạch triển khai, không để xảy ra tình trạng các tuyến đường đi qua địa bàn Cần Thơ bị hư hỏng mà không được sửa chữa kịp thời./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm