BNEWS Giới chức Anh thông báo nước này cần thêm 6.000 tình nguyện viên tham gia giai đoạn thử nghiệm dùng thuốc kháng virus molnupiravir của hãng dược Merck (Mỹ) để điều trị COVID-19
Ngày 25/1, giới chức Anh thông báo nước này cần thêm 6.000 tình nguyện viên tham gia giai đoạn thử nghiệm dùng thuốc kháng virus molnupiravir của hãng dược Merck (Mỹ) để điều trị COVID-19, nhằm đánh giá khả năng điều trị bằng thuốc này trên quy mô lớn hơn.
Bộ Y tế Anh cho biết hiện đã có 4.500 người đăng ký thử nghiệm, song vẫn cần thêm hàng nghìn người nữa để thu thập đủ dữ liệu cần thiết.
Các trường hợp có thể đăng ký tham gia gồm người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền đã có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc các trường hợp có triệu chứng mắc COVID-19 trong vòng 5 ngày qua.
Người đứng đầu Lực lượng đặc trách phòng dịch của Anh, Eddie Gray, nhấn mạnh thuốc kháng virus là một “trợ thủ” bổ sung cực kỳ quan trọng để ứng phó với đại dịch.
Việc thu hút mọi người đăng ký tham gia nghiên cứu lần này rất ý nghĩa, không chỉ trong việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất hiện nay, mà còn đảm bảo cơ quan chuyên môn có thể triển khai sử dụng loại thuốc này càng sớm càng tốt.
Vào tháng 11/2021, Cơ quan quản lý dược phẩm MHRA của Anh đã phê duyệt thuốc viên molnupiravir do công ty Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics phối hợp sản xuất.
Sau đó, chính phủ nước này đã triển khai một nghiên cứu cấp quốc gia nhằm thiết lập liệu trình sử dụng thuốc một cách tốt nhất cho phần lớn người dân đã được tiêm phòng COVID-19.
Các thử nghiệm lâm sàng trước đây chỉ mới đánh giá công dụng của thuốc molnupiravir đối với những người chưa tiêm phòng.
Theo đó, với những người có nguy cơ cao mắc bệnh ở giai đoạn đầu, thuốc uống dạng viên molnupiravir của hãng Merck đã được chứng minh hiệu quả giúp giảm 30% nguy cơ nhập viện và tử vong.
Cho đến nay, Bộ Y tế Anh đã mua 2,23 triệu liệu trình thuốc molnupiravircủa hãng Merck và 2,75 triệu liệu trình thuốc kháng virus do hãng dược Pfizer (Mỹ) phát triển, song vẫn chưa triển khai sử dụng.
Trước đó, ngày 19/1, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố kể từ tuần này sẽ bãi bỏ các quy định gồm bắt buộc đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và xuất trình “thẻ thông hành” COVID-19 tại vùng England, do Anh đã mua các loại thuốc kháng virus cũng như triển khai tiêm mũi tăng cường và mức độ dịch nghiêm trọng liên quan tới biến thể Omicron đã thấp hơn.
– Ngày 24/1, Bộ trưởng Y tế lâm thời Chile Maria Teresa Valenzuela cho biết quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nhất thế giới này đã nhất trí mua 2 triệu liều vaccine của Moderna.
Bộ trưởng Valenzuela nhấn mạnh Viện Y tế Công cộng Chile đã phê duyệt thỏa thuận nói trên. Các liều vaccine sẽ được chuyển đến quốc gia Nam Mỹ này thành 3 đợt trong một vài tháng tới.
Chile được coi là một hình mẫu ứng phó tốt với đại dịch, chủ yếu nhờ vào chương trình tiêm phòng trên diện rộng các loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Sinovac.
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế Chile, gần 93% người dân nước này từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản. Các nhân viên y tế cũng đã tiến hành tiêm 12,2 triệu mũi tăng cường.
Ngoài ra, Chile cũng đã triển khai tiêm mũi thứ 4, trở thành quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh và một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi tăng cường thứ 2./.
Theo BNews/