Trang chủ » Các nước tạo ‘luồng xanh’ để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị ‘đứt gãy’

Các nước tạo ‘luồng xanh’ để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị ‘đứt gãy’

bởi unexpress
Chú thích ảnh
 Một cảng hàng hóa ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hạn chế di chuyển khiến việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh, nhất là tại các vùng bị phong tỏa,  được các nước đặc biệt quan tâm và nhiều biện pháp đã được triển khai để đảm bảo quá trình cung cấp, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ không bị gián đoạn.

Ngay khi bị phong tỏa chống dịch vào đầu năm 2020, mọi cửa ngõ ra vào thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đều bị đóng chặt, ngoại trừ những xe thuộc “luồng xanh” chở hàng hóa sinh hoạt. Để có đủ lương thực cho 11 triệu người dân Vũ Hán sống dưới lệnh phong tỏa, nhà chức trách Trung Quốc đã kêu gọi nông dân tăng cường sản xuất rau củ, lập “luồng xanh” cho xe tải vận chuyển vào thành phố, đồng thời trừng phạt những người đầu cơ.

Cuối tháng 1/2020, Sở Giao thông Vũ Hán bắt đầu cho phép 3 loại xe đi qua chốt chặn trên cao tốc: Xe chở vật tư y tế, xe chở vật tư sinh hoạt cho người dân và xe chở vật tư dùng để đảm bảo nguồn điện, nước, khí đốt của thành phố. Xe tải chở thực phẩm không bị hạn chế đi lại nếu có giấy phép của chính quyền.

Chính quyền một số địa phương cũng thuê thêm lái xe tải để duy trì lưu thông nguồn cung. Khoảng 6.000 xe tải đã được huy động để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm và đưa người dân tới cơ sở y tế. Các địa phương ở xa được huy động để trợ giúp Vũ Hán. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để duy trì nguồn cung lương thực và giá cả ổn định. Cơ quan quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra kiểm soát và xử phạt các siêu thị có hiện tượng đẩy giá, nhờ đó giá cả trở lại bình thường và ổn định suốt giai đoạn dịch bệnh.

Tại châu Âu, thời kỳ đầu đại dịch  bùng phát, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp hạn chế biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông hàng hóa. Hậu quả là ùn tắc giao thông tại các cửa khẩu nội khối EU khiến các tài xế vận tải hàng hóa và công nhân vận tải phải đối mặt với thời gian chờ đợi lên đến 24 giờ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen khi đó đã yêu cầu: “Hàng hóa, các dịch vụ cơ bản đến EU cần phải được tiếp tục lưu thông để bảo đảm nguồn cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, linh kiện sản xuất, thuốc men…”, vì sự di chuyển tự do của hàng hóa là giá trị cốt lõi của thị trường chung châu Âu

Chú thích ảnh
 Hàng xe tải xếp hàng chờ tại hầm Channel ở Calais, miền bắc Pháp trong hành trình tới Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

EC đã đề xuất tạo ra “luồng xanh” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Tại các luồng xanh, lái xe vận tải chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe và giấy chứng nhận công nhân vận tải quốc tế. Việc kiểm tra sức khỏe của lái xe vận tải chỉ cần thực hiện ở một bên của biên giới để tránh tốn thời gian cho nhiều cuộc kiểm tra ở những quốc gia thành viên khác nhau.

Ngoài ra, việc kiểm tra tài liệu và hàng hóa trên đường, chẳng hạn như kiểm tra tại chỗ ven đường, cũng được giảm thiểu và không vượt quá mức bình thường. Các nước EU cũng tạo điều kiện nhanh chóng cho việc kiểm tra sức khỏe của lái xe vận chuyển hàng hóa, trong đó có thể sử dụng biện pháp đo thân nhiệt bằng máy quét hoặc xét nghiệm nhanh tại chỗ. Nhờ các biện pháp trên, việc vận chuyển hàng hóa trong EU diễn ra rất suôn sẻ trong suốt giai đoạn dịch bệnh.

Cuối năm ngoái, khi Pháp đóng cửa biên giới với Vương quốc Anh vì lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nhiều xe tải chở hàng từ Pháp sang Anh và ngược lại đã bị kẹt ở cảng biển, không lưu thông được do các biện pháp kiểm soát. Nhà chức trách hai nước đã nhanh chóng thảo luận và cho phép mở “luồng xanh trên biển”, theo đó vận chuyển hàng hóa bằng container không có tài xế đi kèm qua đường biển.

Pháp sau đó cũng cho phép tài xế từ Anh chở hàng chỉ cần có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính theo thời gian quy định là được nhập cảnh vào Pháp. Còn tại Anh, các nhân viên trong ngành vận tải hàng hóa và hậu cần (logistics) được chính phủ xem là “nhân công thiết yếu” được phép tự do đi lại. Biện pháp này nhằm giúp chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn hoạt động thông suốt.

Tại Ấn Độ, trước tình trạng thiếu nhân viên, nhất là nhân viên điều hành việc giao hàng và nhân công bốc dỡ hàng hóa trong giai đoạn giãn cách xã hội, Hiệp hội Phúc lợi vận tải Ấn Độ (AIWTA) đã phải kiến nghị chính phủ cho phép sử dụng giấy phép lái xe làm thẻ thu phí tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhanh chóng. AIWTA cũng lo tìm bảo hiểm cho tài xế xe tải và các nhân viên liên quan, đề xuất chính phủ mở lại các trạm dừng cho tài xế cứ mỗi 200km đường cao tốc.

Ở cảng biển, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các hãng vận tải không áp dụng phí giam giữ container đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian phong tỏa. Còn ngành đường sắt, trong trường hợp không có khách vì đại dịch, tàu hỏa sẽ tập trung vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu kiện cho doanh nghiệp địa phương và người mua hàng thương mại điện tử.

Tại ASEAN, các biện pháp ngăn chặn COVID-19 như kiểm tra bắt buộc và thời gian cách ly 14 ngày đối với tài xế xe tải làm tăng thêm các yêu cầu phức tạp về chứng từ và các chi phí liên quan đến vận tải hàng hóa. Chính vì vậy, tháng 11/2020, Ban Thư ký ASEAN đã công bố các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và trao đổi hàng hóa, bao gồm hài hòa hóa các tiêu chuẩn đối với hàng hóa thiết yếu và mở rộng Cơ chế hải quan một cửa ASEAN (ASW) cho các đối tác đối thoại của ASEAN. Điều này nhằm mục đích giảm chi phí tuân thủ và những trở ngại về thủ tục cho thương nhân. 

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Mundra, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, các thương nhân mua bán hàng hóa qua biên giới trong khối ASEAN hiện có thể tận dụng Hệ thống quản lý quá cảnh hải quan trực tuyến mới – Hệ thống Quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS), để đẩy nhanh thương mại hàng hóa bằng đường bộ trong ASEAN. Nhiều nước ASEAN, trong đó có Singapore, Lào, Myanmar và Indonesia… cũng đã lần lượt thiết lập các “làn nhanh” và “luồng xanh” cho việc trao đổi hàng hóa với Trung Quốc.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, việc thiết lập luồng xanh để tạo thuận lợi cho phương tiện vận tải thông thương góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho sản xuất và đời sống của nhân dân là việc làm đúng đắn và đang được triển khai một cách đồng bộ.

Theo thống kê, đến nay, các cơ quan chức năng Việt Nam đã cấp phép cho gần 37.000 xe được di chuyển trong “luồng xanh” tại các tỉnh thành bị giãn cách xã hội. Nhờ việc triển khai “luồng xanh” vận tải, dòng xe cộ lưu thông trên các tuyến quốc lộ đã thông thoáng hơn trước, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực, giúp chuỗi cung ứng hàng hóa không bị “đứt gãy”, góp phần đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 và cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm