Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: “Sau 20 năm đã qua, ngày nay, chúng ta có thể nói rằng chúng (những chiến binh thánh chiến) đã thất bại trong việc làm lay chuyển niềm tin của chúng ta….”. Ông nhấn mạnh: “Chúng cũng thất bại trong việc đẩy các nước chúng ta ra xa nhau hoặc khiến chúng ta từ bỏ những giá trị của mình, hoặc phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực”.
Trong thông điệp riêng, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị cũng thể hiện sự chia sẻ của bà cùng Hoàng gia và cả Vương quốc Anh với các nạn nhân, cũng như những người sống sót và gia đình bị ảnh hưởng trong vụ khủng bố thảm nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Vào ngày 11/9, chúng tôi tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và thể hiện sự kính trọng với những người đã bất chấp hiểm nguy để giúp đỡ họ. Ngay cả trong những thời khắc tăm tối nhất, khó khăn nhất, điều tốt đẹp nhất của bản chất con người vẫn có thể tỏa sáng”.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sát cánh cùng Mỹ và Tổng thống Mỹ tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Trong một bức thông điệp, người phát ngôn Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng vụ tấn công khủng bố 11/9 xảy ra tại Mỹ năm 2001 đã tác động sâu sắc đến chính trị toàn cầu. Theo quan chức này, cần loại bỏ chủ nghĩa khủng bố vô điều kiện ở mọi nơi. Tổng thống Thụy Sĩ đã thể hiện sự đoàn kết với tất cả các nạn nhân trong sự kiện thảm khốc này.
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên. Chúng ta sẽ luôn luôn đấu tranh vì tự do”.
Tổng thống Italy Sergio Materrella tuyên bố nước này sát cánh cùng Mỹ và các đồng minh khác nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa khủng bố nào.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Chúng ta phải thừa nhận rằng mặc dù chúng ta có thể đánh bại khủng bố, lực lượng đang đe dọa an ninh của chúng ta, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể đạt được mục tiêu của mình”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng: “Sự kiện 11/9 xảy ra cách đây 2 thập kỷ nhắc nhở chúng ta rằng tự do luôn mong manh. Theo như lời của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, nó (tự do) cần phải được mỗi thế hệ đấu tranh và bảo vệ liên tục”.
Phái đoàn thường trực Nga tại LHQ cũng ra tuyên bố khẳng định Nga sẵn sàng nối lại hợp tác chống khủng bố với Mỹ. Đại sứ Nga tại LHQ Anatoly Antonov nhấn mạnh Nga chia sẽ sự mất mát đối với nước Mỹ trong thảm họa khủng bố 11/9 và đề nghị hai nước nối lại hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu bất chấp những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước.
Loạt vụ không tặc và tấn công khủng bố bằng máy bay chở khách ngày 11/9/2001 đã khiến tổng cộng 2.996 người thiệt mạng và là vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Có hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu người kẹt trong tòa tháp đôi thuộc khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York. Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.
Vụ tấn công đã làm thay đổi gần như mọi mặt của nước Mỹ. Sau cuộc tấn công, chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush phát động cuộc chiến chống toàn cầu chống khủng bố, dẫn tới việc Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan ngay trong năm 2001.
Theo Báo Tin Tức