Trang chủ » Bối cảnh tiền tệ sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2022?

Bối cảnh tiền tệ sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2022?

bởi unexpress

BNEWS Sau một năm 2021 thăng hoa, thị trường chứng khoán Mỹ bước sang năm 2022 với một lực đẩy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, triển vọng thị trường trong Năm mới 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng thu nhập và các diễn biến kinh tế mạnh mẽ, thay vì một Cục Dự trữ Liên bang (Fed) liên tục mở ví và bơm tiền như trong năm cũ.

Năm 2021: Thị trường thăng hoa với sự phân hoá

Chỉ số S&P 500 đã tăng 27% trong năm 2021 và chốt phiên cuối năm ở mức 4.766,18 điểm, đồng thời tạo ra 70 lần đóng cửa cao kỷ lục. Chỉ số này đã vượt qua mức tăng 19% của chỉ số Dow Jones và mức tăng 21% của Nasdaq Composite.
Khi thị trường mở cửa vào thứ Hai tới (3/1), thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu một quý hoạt động hoàn toàn mới. Đây là giai đoạn có thể chứng kiến lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2018.

Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu, những lo lắng về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể nhường chỗ cho những kỳ vọng về một môi trường lãi suất mới trong suốt năm 2022.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, giới đầu tư sẽ chú ý nhiều đến báo cáo việc làm, bên cạnh đó là dữ liệu khảo sát sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) và doanh số bán ô tô, cả hai đều được dự kiến công bố vào ngày 4/1. Dữ liệu thương mại quốc tế sẽ được công bố hôm 6/1.

Các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có 405.000 việc làm được bổ sung trong tháng cuối cùng của năm 2021, tăng so với mức 210.000 việc làm của tháng 11/2021. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm từ 4,2% xuống 4,1%.
Sameer Samana, chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu cấp cao tại Viện đầu tư Wells Fargo, cho biết: “Đó là khởi đầu của một năm mới. Lịch sử đã cho thấy chúng ta nên bắt đầu năm mới theo cách mạnh mẽ. Chúng tôi đánh giá cao thực tế là chỉ số S&P 500 đã và đang đạt được những mức cao mới, nhưng khi bạn nhìn vào nhóm cổ phiếu vốn hoá trung bình hoặc cổ phiếu vốn hóa nhỏ, họ đã có một trải nghiệm rất khác”.
Diễn biến thị trường trong năm 2021 có sự phân hóa, với mức tăng đột biến ban đầu tập trung ở một số cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao, nhưng sau đó nhiều cổ phiếu lại rớt giá mạnh, trong khi một số tên tuổi vốn hóa lớn trong S&P 500 đã có màn trình diễn thật sự khả quan.

Điển hình, giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng đến 51% trong năm, trong khi Apple tăng 34%, Home Depot tăng 56% và American Express tăng 35%. Đặc biệt, giá cổ phiếu của Ford đã tăng đến 136%.
Ở chiều ngược lại, quỹ hoán đổi danh mục ARK Innovation ETF, quỹ tập hợp các cổ phiếu tăng trưởng cao trong năm 2020, lại chứng kiến cổ phiếu giảm 24% trong năm 2021.

Năm 2022: Tiếp tục phân hoá trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang thay đổi
Ngày 5/1 tới, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 12/2021. Sau khi cuộc họp này kết thúc, ngân hàng trung ương này đã thông báo họ sẽ đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu. Chương trình này giờ đây được dự kiến sẽ kết thúc vào tháng Ba thay vì tháng Sáu.
Cuộc họp vào tháng Ba tới hiện được coi là dịp để Fed tiến hành tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2022. Fed đã dự báo nước Mỹ sẽ có ba lần tăng lãi suất vào năm 2022.
Các chiến lược gia kỳ vọng năm 2022 sẽ trở nên khó khăn hơn đối với thị trường chứng khoán, khi Fed kết thúc chương trình mua trái phiếu và chuyển sang tăng lãi suất. Các chiến lược gia đặt mục tiêu trung bình là 5.050 điểm cho S&P 500, theo Khảo sát chiến lược của CNBC.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại tập đoàn tư vấn Bleakley Advisory Group, cho biết: “Tôi nghĩ rằng trong tuần tới, giới đầu tư sẽ bắt đầu giao dịch theo cách họ nhận thức về bối cảnh tiền tệ (ở nước Mỹ) đang thay đổi”.

Giám đốc Boockvar cho biết tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được cảm nhận trên toàn cầu, vì các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ cắt giảm chương trình mua tài sản và tiến tới tăng lãi suất.
“Dòng chảy thanh khoản trong hai năm qua là thứ chưa từng thấy trước đây. Tuy nhiên, dòng chảy này đang chậm lại”, chuyên gia Boockvar nói. Theo chuyên gia này, chuyển động của thị trường chứng khoán sẽ song hành với chuyển động của Fed.
Trong khi đó, chiến lược gia Samana của Viện đầu tư Wells Fargo cho biết trong năm tới ông sẽ tập trung vào nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ. Ông nhận định: “Bạn phải nắm lấy những gì thị trường mang lại và tôi cho rằng chúng ta không có nhiều lý do để thờ ơ với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn”.
“Chúng tôi thích công nghệ và các dịch vụ truyền thông. Chúng tôi cũng thích tài chính và các ngành công nghiệp. Đó là hai lĩnh vực tăng trưởng và hai lĩnh vực chu kỳ”, chiến lược gia Samana nói.
Chiến lược gia Samana cho biết các chiến lược gia của Wells Fargo đã hạ triển vọng các ngành nguyên liệu và năng lượng. Song song với đó, họ lại nâng triển vọng ngành công nghệ.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến điều này, ông cho rằng trong bối cảnh cơ hội đối với từng ngành nghề còn chưa quá rõ ràng, năm 2022 có thể sẽ là một năm phát triển cân bằng hơn giữa các ngành.
Trong năm 2021, trên thị trường chứng khoán, các mã cổ phiếu năng lượng là lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng hàng đầu trong số các ngành chính, với mức tăng 48% – mức tăng tốt nhất từ trước đến nay. Tiếp theo là bất động sản với mức tăng 42%, công nghệ tăng 33% và tài chính cũng tăng 33%.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia Matt Maley của công ty Miller Tabak lại chỉ ra rằng Quỹ SPDR cho ngành hàng tiêu dùng đã vận động tốt hơn so với lĩnh vực công nghệ và chất bán dẫn trong tháng 12/2021. Quỹ này đã tăng gần 10%, trong khi Quỹ SPDR cho lĩnh vực công nghệ chỉ tăng 3% trong cùng kỳ.
“Nói cách khác, hành động trên thị trường chứng khoán trong vài tuần qua đã khác rất nhiều. Trong đó, cổ phiếu ngành công nghệ đã không vận động tốt như hầu hết mọi người nghĩ, chuyên gia Maley viết trong một ghi chú./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm