Vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại được tuồn ra thị trường, trong đó có kênh Bách Hóa Xanh, đang gây xôn xao dư luận. Bộ Công Thương phủ nhận liên quan, trong khi các cơ quan khác tiếp tục “đá bóng” trách nhiệm.
Bộ Công Thương phủ nhận trách nhiệm vụ 3.000 tấn giá đỗ bẩn tràn ra thị trường, bao gồm kênh Bách Hóa Xanh
Vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại được tuồn ra thị trường, trong đó có kênh Bách Hóa Xanh, đang gây xôn xao dư luận. Bộ Công Thương phủ nhận liên quan, trong khi các cơ quan khác tiếp tục “đá bóng” trách nhiệm.
Theo Dân trí, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 7/1, trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường liên quan đến vụ việc phát hiện gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất đã bán ra thị trường trong năm 2024 tại Đắk Lắk, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết vấn đề này thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp, lĩnh vực an toàn thực phẩm.
“Lực lượng quản lý thị trường chịu trách nhiệm theo dõi lưu thông và phối hợp với các cơ quan liên ngành để rà soát. Về vụ việc 3.000 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu cơ quan quản lý thị trường theo dõi chặt để kiểm soát” – Thứ trưởng chia sẻ.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 26/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin đang làm rõ đường đi của gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại, được tuồn ra ngoài thị trường. Đáng nói, một cơ sở sản xuất giá đỗ độc hại khai rằng có ký hợp đồng cung cấp cho Bách Hóa Xanh từ 350 – 400kg giá đỗ/ngày.
“Đá bóng” trách nhiệm vụ giá đỗ bẩn
Về phía doanh nghiệp, Bách Hóa Xanh cam kết hoàn tiền cho khách hàng đã mua giá đỗ ngâm hóa chất. Khách hàng cần cung cấp hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử từ phần mềm tích điểm của Bách Hóa Xanh để nhận lại tiền.
Ảnh minh họa |
Về phía cơ quan quản lý, ngày 30/12/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND TP. Buôn Ma Thuột liên quan đến vụ việc giá đỗ ủ chất cấm. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm
Trao đổi với PLO, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản – thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đơn vị này đã cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm giá đỗ của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (một trong các đơn vị làm giá đỗ bẩn) vào tháng 4/2024 trong thời hạn 3 năm. Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở Lâm Đạo đủ điều kiện sơ chế, đóng gói sản phẩm; không phải quá trình ngâm, ủ, kích nảy mầm nhằm sản xuất giá đỗ. Sau một năm cấp giấy chứng nhận, Chi cục sẽ kiểm tra lại điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, mỗi năm Chi cục chỉ được kiểm tra một lần, không có thẩm quyền kiểm tra thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, giải thích rằng sản phẩm lưu hành hợp pháp cần được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp mã số, mã vạch. Tuy nhiên, nếu xảy ra khiếu kiện hoặc tranh chấp, Sở Khoa học – Công nghệ mới tiếp nhận và hướng dẫn xử lý.
Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng công tác hậu kiểm, kiểm tra sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở các siêu thị hay không thuộc trách nhiệm của đơn vị cấp phép.
Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, lại cho rằng đơn vị của ông chỉ cấp chứng nhận cho Công ty Lâm Đạo bán giá đỗ, nhưng chỉ trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói. Còn việc kiểm tra sản phẩm đã ra thị trường, nếu bán ở cửa hàng Bách Hóa Xanh phải do Sở Công Thương chủ trì, thành lập đoàn mới thanh tra, kiểm tra được. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ được kiểm tra ở chợ đầu mối Tân Hòa.
PLO đã liên lạc với lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk để tìm hiểu thêm, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thừa nhận không có cơ chế giám sát thường xuyên quá trình sản xuất của từng cơ sở.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk cũng bị đặt câu hỏi về vai trò trong vụ việc này. Chủ tịch Hội, bà Nguyễn Thị Phương Lan, cho biết Hội chỉ thực hiện công tác tuyên truyền và chỉ can thiệp khi có kiện tụng.
>> Bách Hóa Xanh: ‘Cú đấm’ an toàn thực phẩm xuất hiện ngay khi vừa có lãi
]]>