BNEWS Các địa phương trong đất liền ven biển tỉnh Bình Thuận đã lên phương án sơ tán, di dời 4.375 hộ với 13.311 khẩu khi bão số 4 đổ bộ.
Sáng 26/9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 4.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết tin về bão số 4. Tính đến 10 giờ ngày 26/9, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.552 chiếc với 13.792 lao động.
Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ là 368 chiếc với 3.194 lao động, chủ yếu hoạt động ở khu vực Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự kiến đến 10 giờ ngày 27/9 sẽ có khoảng 300 phương tiện vào neo đậu tránh trú bão tại cảng trong và ngoài tỉnh. Hiện không có tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực, vùng nguy hiểm.
Toàn tỉnh hiện có 117 lồng bè với 307 lao động. Đến nay, các chủ bè nuôi thủy sản đã được Ủy ban nhân dân các địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng thông báo về tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 4 để có phương án gia cố, chằng buộc an toàn.
Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát các khu dân cư ven biển, vùng trũng, ngập lụt, tỉnh cũng đã lên phương án di dời, sơ tán 219 hộ với 991 khẩu tại huyện đảo Phú Quý khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ.
Các địa phương trong đất liền ven biển cũng có phương án sơ tán, di dời 4.375 hộ với 13.311 khẩu. Đồng thời, các địa phương sẵn sàng phương tiện, lực lượng để sơ tán khi có lệnh, chuẩn bị tốt theo phương châm “4 tại chỗ” ở các cấp để ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, bão số 4 có cường độ mạnh. Mặc dù Bình Thuận dự báo không nằm trong vùng tâm bão đi qua nhưng có khả năng bị ảnh hưởng như mưa lớn, gió giật. Vì vậy, các địa phương, đơn vị không được chủ quan, lơ là. Nếu bão đổ bộ, đảo Phú Quý sẽ là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên.
Chính quyền địa phương cần tập trung các biện pháp phòng, chống ngay từ trưa 26/9; tuyên truyền rõ thông tin, diễn biến của cơn bão để người dân có phương án chằng chống nhà cửa, bảo quản tài sản… Đối với khu vực dễ sạt lở, vùng xung yếu, các công trình trọng điểm…, các địa phương cần triển khai chủ động các biện pháp phòng, chống sẵn sàng để đảm bảo an toàn để không gây sạt lở.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc gửi các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc khẩn trương phối hợp với địa phương trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão số 4.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy tỉnh khẩn trương, trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương, đơn vị, ngành phụ trách ngay trong ngày 26/9./.
>>>Ứng phó với bão số 4: Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học từ chiều 26/9
Theo BNews/