Theo các nhà chuyên môn, Bình Dương đã chớp thời cơ sau khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới thông qua kết nối trực tuyến để kêu gọi thu hút đầu tư ở thị trường Nhật Bản nhằm đẩy nhanh phục hồi kinh tế.
Đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện
Đại dịch COVID -19 diễn ra với nhiều hậu quả khó lường, các công ty, doanh nghiệp đã có những trải nghiệm làm việc với môi trường ảo, toàn bộ mô hình hoạt động của công ty cũng được thay đổi hoàn toàn. Theo các nghiên cứu báo cáo, ứng dụng kỹ thuật số của doanh nghiệp cũng được tăng lên đáng kể. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, từng bước quay lại trạng thái bình thường mới.
Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh hiện đại và phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại; đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển xã hội số và thu hẹp khoảng cách số.
Ông Tanabe, Phó Tổng giám đốc tập đoàn NTT East chia sẻ, từ năm 2018, tập đoàn đã hợp tác kinh doanh với đối tác Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT), thuộc Becamex IDC. Đầu năm 2019, Tập đoàn NTT East đã triển khai xây dựng hạ tầng viễn thông theo tiêu chuẩn Nhật Bản, để cung cấp dịch vụ cho 13 dự án. Trong thời gian tới sẽ mở rộng ra các dự án khác tại Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh thành khác có dự án của Becamex và các đơn vị thành viên của Becamex. Việc hợp tác để đào tạo nhân lực cho việc vận hành hạ tầng viễn thông và hoạt động kinh doanh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của tập đoàn, với phương châm “Hợp tác lâu dài” giữa hai bên. Từ đó, góp phần xây dựng thành phố thông minh, tập đoàn sẽ tiếp tục thực thi vai trò của mình trong dự án kéo dài 15 năm.
Năm 2020, Công ty Phát triển đô thị NTT UD cùng với công ty Becamex Tokyo thành lập công ty liên doanh, cùng nhau đầu tư xây dựng các chung cư cao cấp tại thành phố mới Bình Dương. Ngoài ra, hiện Tập đoàn cùng NTT-BP tham gia vào việc nghiên cứu triển khai mạng wifi công cộng; triển khai các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông và ICT như: cung cấp dịch vụ wifi trên nền tảng điện toán đám mây hỗ trợ cho các doanh nghiệp, xây dựng thiết bị đường cáp quang và cung cấp dịch vụ đường truyền cáp quang, cung cấp các giải pháp ICT dựa trên kinh nghiệm và năng lực thực tế của NTT East tại Nhật Bản.
Hiện nay, thành viên của Tập đoàn Communications NTT là NTT Communications Việt Nam, NTT Việt Nam và VNTT đã ký kết hợp đồng ghi nhớ thực hiện nghiên cứu dự án về xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu thứ hai tại Bình Dương.
Trong năm 2021, tập đoàn đang chuẩn bị để sớm trở thành cổ đông chiến lược của VNTT và qua đó sẽ tăng cường được hơn nữa mối quan hệ hợp tác với VNTT để góp phần thúc đẩy xây dựng hạ tầng cho thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Văn Hùng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, Becamex đang xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ, sẽ tạo ra đòn bẩy thu hút các hãng công nghệ; tạo ra các công cụ mới nhằm tăng năng suất lao động, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Khu Công nghệ Khoa học công nghệ là mô hình mới, bổ trợ và thúc đẩy các khu công nghiệp kiểu truyền thống
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Tập đoàn NTT East và Tổng Công ty Becamex IDC thông qua các dự án hợp tác. Những hoạt động của dự án hợp tác này là vô cùng quan trọng, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay và dự án sắp tới về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xã hội và dự án camera giám sát giao thông.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương rất mong việc các dự án nhanh chóng triển khai cụ thể và lập kế hoạch chi tiết; chọn ra các địa phương điểm trong tỉnh để áp dụng thí điểm để từ đó lan rộng ra trên toàn tỉnh về việc chuyển đổi số hóa, áp dụng triển khai các dự án đầu tư.
Tỉnh Bình Dương sẽ phấn đấu đến năm 2025, tất cả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử. Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính….
Chớp thời cơ lấy lại đà phát triển
Nhật Bản hiện đứng thứ 2 trong số 65 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương với tổng số 327 dự án đầu tư và tổng số vốn là 5,7 tỷ USD. Đây là cộng đồng doanh nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua.
Ông Takahashi, Tổng Giám đốc Công ty Tokyu Nhật Bản cho biết, thời gian tới, Tập đoàn Tokyu và Tổng Công ty Becamex IDC sẽ khởi công xây dựng Trung tâm thương mại lớn tại thành phố mới Bình Dương; trong đó, có hệ thống siêu thị AEON của Nhật Bản và sẽ nỗ lực cống hiến vào sư phát triển xây dựng thành phố mới Bình Dương:
Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ và địa phương phải thích ứng linh hoạt, kịp thời kiểm soát COVID-19 để phục hồi kinh tế. Sự hợp tác của Becamex và Tokyu là nền tảng để cùng phát triển bền vững và ông mong rằng, những dự án của Tokyu đang đầu tư tại tỉnh sẽ nhanh chóng được khởi động lại. Đối với các dự án mới, tỉnh tạo mọi điều kiện để Tokyu triển khai. Bình Dương đang có những lợi thế về hạ tầng giao thông tạo kết nối vùng.
Lãnh đạo Tỉnh mong nhà đầu tư quan tâm hơn về tuyến đường sắt, và tin tưởng các dự án đầu tư về giao thông, trung tâm thương mại, hệ thống giao thông công cộng sẽ sớm đi vào hiện thực và trở thành hình mẫu của Việt Nam.
Năm 2021, tuy phải chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nặng nề, tỉnh Bình Dương vẫn tổ chức hơn 10 hội nghị trực tuyến với các nước nhằm kích cầu sự phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư và thu hút vốn FDI. Bên cạnh đó, tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến tham quan, làm việc của các Đoàn công tác của tỉnh Bình Dương tại nước ngoài trong việc quảng bá, giới thiệu đầu tư, thu hút ODA, FDI… góp phần hỗ trợ Bình Dương sớm khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,93%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 1,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 26,7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt tỉnh đã thu hút được trên 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bình Dương đã tận dụng thời cơ này để đẩy nhanh các kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Qua đó, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp chủ động mở cửa hoạt động trong điều kiện bình thường mới; trong đó, đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân, người lao động để các nhà máy sớm “sáng đèn” sản xuất trở lại. Đến nay, có khoảng 85% doanh nghiệp đã khẩn trương hoạt động sau thời gian tỉnh trở về trạng thái bình thường mới.
Theo Báo Tin Tức