Tại cánh đồng xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ), nhiều nông dân khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa mùa bị ngập lụt trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua. Nhiều diện tích dù chưa chín nhưng do bị ngã đổ nên nông dân cũng tiến hành thu hoạch để tránh lúa bị nứt mộng.
Theo chị Bùi Thị Bích Ngà (xã Mỹ Trinh), vụ lúa mùa năm nay gieo sạo 7 sào nhưng có đến 5 sào đã bị ngập lụt, hư hại. Lúa bị ngã đổ, nằm bẹp dưới chân ruộng nên không thể thu hoạch bằng máy mà phải huy động cắt lúa thủ công. Ngoài ra, số lúa thu hoạch được vì bị ngâm nhiều ngày trong nước nên dễ bị đen, hư thối, chỉ có thể cho gia súc, gia cầm ăn.
Chị Ngà cho biết, sau khi thu hoạch lúa mùa xong, sẽ tiến hành cày ải đất đai ngay để xuống giống vụ Đông Xuân. Đây là vụ mùa thuận lợi về thời tiết nên cần tập trung sản xuất, vớt vát lại vụ lúa mùa bị hư hại vừa qua.
Còn tại cánh đồng tại xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), đợt mưa lớn vừa qua khiến cho nhiều bờ thửa bị hư hỏng. Một số chân ruộng bị lớp đất cát dày bao phủ khiến người dân phải cải tạo lại mới có thể sản xuất. Anh Lê Văn Tư (xã Phước Nghĩa) cho biết, gia đình có 2 sào ruộng chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân thì bị nước lũ cuốn trôi một đoạn bờ và bị cát tràn vào một phần diện tích ruộng. Anh Tư phải huy động nhân lực để cải tạo lại ruộng đất trước khi xuống giống.
Cách đó không xa, tại cánh đồng trồng hoa màu thuộc xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), nước lụt cũng đã gây hư hại nhiều diện tích của người nông dân. Anh Trình Văn Bảy (xã Phước Hiệp) cho biết, anh trồng 3 sào khổ qua được 20 ngày tuổi thì đã bị ngập úng dẫn đến chết cây. Hiện anh đang tiến hành cày ải, làm đất để chuyển sang trồng một số loại rau bán cho vụ Tết năm nay.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Bình Định có gần 3.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại; gần 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá; trên 10 km đê, bờ bao, kênh mương bị phá hủy. Hiện nay, các địa phương đang tập trung sửa chữa hạ tầng kênh mương, thủy lợi; đồng thời, huy động người dân ra đồng cải tạo ruộng đất, phát quang cây cối, nạo vét kênh mương, đắp bờ giữ ruộng, tiến hành cày ải đất đai, bón phân để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2021 – 2022.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, vụ Đông Xuân 2021 – 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng gần 48.000 ha lúa, trên 26.000 ha cây trồng cạn; trong đó, cây lúa xuống giống từ tháng 11/2021 đến cuối tháng 1/2022; cây trồng cạn gieo trồng có thể kéo dài đến cuối tháng 2/2022.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, để nông dân sản xuất vụ Đông Xuân 2021 – 2022 hiệu quả, sở đã yêu cầu các địa phương và ngành liên quan vận động người dân gieo trồng đúng khung lịch thời vụ. Bên cạnh đó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích có khả năng bị hạn và những diện tích trồng lúa, mía, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ nông sản. Do đó sở cũng đã đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân điều chỉnh tăng hoặc giữ ổn định diện tích cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định, phục vụ chế biến như: lúa, ngô, lạc, mè, đậu các loại; đồng thời, giảm diện tích các loại cây trồng phụ thuộc nhiều vào thị trường như: dưa hấu, ớt.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định cũng đang theo dõi, tổng hợp sản lượng nông sản, đánh giá khả năng tiêu thụ để có phương án hỗ trợ, kết nối đầu ra sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm như: lúa giống, rau an toàn; kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: ngô sinh khối, ngô ngọt, lạc, bưởi.
Theo Báo Tin Tức