BNEWS Nguy cơ lây lan biến thể Omicron trên diện rộng có thể tác động tới sự phục hồi trao đổi thương mại của hàng hóa và dịch vụ tại các nền kinh tế ASEAN.
Trang mạng Fulcrum.sg (Singapore) đã đăng bài bình luận của tác giả Sithanonxay Suvannaphakdy, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS), về tác động của sự xuất hiện biến thể Omicron đối với sự phục hồi thương mại của khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nguy cơ lây lan biến thể Omicron trên diện rộng có thể tác động tới sự phục hồi trao đổi thương mại của hàng hóa và dịch vụ tại các nền kinh tế ASEAN. Ngay cả trước khi có sự xuất hiện của Omicron, đã có những rủi ro ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của các kinh tế.
Những nguy cơ này bao gồm sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, cụ thể là tình trạng trì trệ, ùn tắc tại các cảng kéo dài, chi phí vận chuyển cao hơn, thiếu hụt nguyên vật liệu, khiến giá cả hàng tiêu dùng tăng cao.
Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 tại các nền kinh tế ASEAN và các đối tác thương mại chủ chốt cũng gây ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế của khu vực. Sự bùng phát của biến thể Omicron có thể làm suy giảm hơn nữa nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ từ bên trong cũng như ở bên ngoài khu vực ASEAN trong năm 2022.
Trước khi có sự xuất hiện của Omicron, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 10/2021 đã dự báo rằng tổng khối lượng trao đổi thương mại hàng hóa toàn cầu dự kiến tăng khoảng 10,8% trong năm 2021 và tăng 4,7% trong năm 2022. Năm ngoái, trao đổi thương mại toàn cầu đã giảm 5,3%.
Tại châu Á, tăng trưởng của các mặt hàng xuất khẩu hàng hóa được dự kiến tăng từ mức 0,3% trong năm 2020 lên mức 14,4% trong năm 2021 và tăng 2,3% trong năm 2022. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ đã được dự báo sẽ phục hồi kém hơn so với thương mại hàng hóa, đặc biệt là trong những lĩnh vực có liên quan đến du lịch và nghỉ dưỡng, giải trí.
Một trong những động lực chính của thương mại khu vực châu Á là việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tính đến ngày 2/11/2021, đã có 10 nước ký kết phê chuẩn hiệp định này. Mười nước này gồm 6 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và 4 nước khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand.
Khi có hiệu lực, RCEP có thể xóa bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng hóa được trao đổi giữa các nước ký kết trong vòng 20 năm tới. Điều này có nghĩa là RCEP sẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại của các nước thành viên này trong trung hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, biến thể Omicron có thể làm giảm thương mại nội khối cũng như thương mại với bên ngoài ASEAN cả trong trao đổi hàng hóa và dịch vụ, ít nhất là trong ngắn hạn, do những hạn chế, kiểm soát đi lại quốc tế nghiêm ngặt hơn và phong tỏa diễn ra thường xuyên hơn.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt tác động xấu tới dòng chảy thương mại, do các đối tác kinh doanh tại các nước khác nhau gặp khó khăn trong việc gặp gỡ trực tiếp để giao dịch các hợp đồng.
Các cuộc gặp gỡ trực tiếp vẫn rất cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, mặc dù một phần lớn lực lượng lao động đã có thể chuyển sang việc làm việc tại nhà và các công ty tiếp tục duy trì được các mối quan hệ kinh doanh.
Tính đến ngày 1/12/2021, 7 trong số 10 quốc gia ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đã thắt chặt các quy định nhập cảnh và cách ly do lo ngại về biến thể Omicron. Các đối tác thương mại chính của ASEAN như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng đã thắt chặt kiểm soát biên giới.
Mặc dù các nước ASEAN và các đối tác thương mại của họ đã cho phép tiếp tục hoạt động đi lại kinh doanh, nhưng chi phí đi lại quốc tế, bao gồm các chi phí vé máy bay, chi phí xét nghiệm và cách ly, vẫn ở mức cao. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, vốn tham gia không nhiều trong hoạt động thương mại xuyên biên giới, có thể không chịu được mức chi phí cao như vậy.
Ngoài ra, các biến thể virus COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao như Delta và Omicron đã làm gia tăng nguy cơ các quốc gia đóng cửa biên giới. Ví dụ như Trung Quốc đã thực hiện chiến lược “không COVID-19”, bao gồm việc đóng cửa, phong tỏa hàng loạt, kiểm soát chặt chẽ biên giới, truy vết nguồn lây và cách ly. Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn đối với du lịch quốc tế, nhưng vốn dĩ nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại cực kỳ chặt chẽ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Việc phong tỏa thường xuyên hơn ở Trung Quốc có thể làm giảm mức tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu của các hộ gia đình, bao gồm cả hàng hóa từ các nền kinh tế ASEAN.
Năm 2020, tiêu dùng hộ gia đình ở Trung Quốc chiếm 37,7% GDP. Một báo cáo phân tích dữ liệu thương mại của Trung tâm Thương mại Quốc tế vào năm 2020 cho thấy Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Indonesia, Malaysia, Myanmar và Singapore, trong khi đồng thời là điểm đến xuất khẩu xếp thứ hai của Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Các nền kinh tế ASEAN còn lại, bao gồm Brunei, Campuchia và Philippines, đã xếp Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của họ. Sự phụ thuộc nhiều của ASEAN vào thị trường Trung Quốc cho thấy rằng chỉ một sự suy giảm nhỏ trong nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa từ ASEAN có thể dẫn đến xuất khẩu của ASEAN bị giảm đáng kể.
Tóm lại, biến thể Omicron sẽ không chỉ dẫn đến hạn chế đi lại quốc tế lớn hơn mà còn làm tăng nguy cơ phong tỏa thường xuyên hơn trong ASEAN và các đối tác thương mại chính của khối.
Các tác động thương mại thực tế sẽ phụ thuộc vào khả năng của các doanh nghiệp trong việc thích ứng với kỷ nguyên thương mại kỹ thuật số, duy trì các mối quan hệ kinh doanh mà không cần gặp gỡ trực tiếp và thay thế các nhà cung cấp nước ngoài bằng các nhà cung cấp trong nước./.
Theo BNews/