BNEWS Theo UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đang triển khai Kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, phù hợp điều kiện phát triển của từng địa phương.
Theo đó, dự kiến tổng kinh phí đầu tư là 15.139 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, có khoảng 50% các cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đạt trên 50% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
Cũng trong giai đoạn này, tất cả các cụm công nghiệp đang hoạt động, gồm, cụm công nghiệp Phong Nẫm, cụm công nghiệp Thị trấn – An Đức, cụm công nghiệp Tân Thành Bình được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và được quản lý hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, Bến Tre triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập như cụm công nghiệp Phú Hưng, cụm công nghiệp Thành Thới B, cụm công nghiệp An Hòa Tây, cụm công nghiệp Bình Thới và cụm công nghiệp thị trấn Thạnh Phú; trong đó, phấn đấu hoàn thành hạ tầng ít nhất 2 cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật công nghiệp; giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Thêm vào đó, Bến Tre thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng và tổ chức triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào các cụm công nghiệp. Đồng thời, tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp.
Đặc biệt, Bến Tre tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; triển khai xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào trong các cụm công nghiệp.
Mặt khác, tỉnh thường xuyên khảo sát, nắm bắt, đánh giá tình hình quản lý, phát triển các cụm công nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bến Tre hiện có 10 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 337,3 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp 243,45 ha, đã cho thuê 67,52 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 27,74% diện tích đất công nghiệp.
Đến nay, có 4 cụm công nghiệp đã đầu tư đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp có 21 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn hơn 4.216 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 5.700 lao động.
Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh Bến Tre, việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, phần lớn các cụm công nghiệp đã thành lập và có quy hoạch chi tiết nhưng chưa giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động sản xuất.
Các huyện sẽ vận động các doanh nghiệp tự ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng tạo đất sạch, tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng đi vào hoạt động. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm.
Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn do phần lớn người dân không đồng tình với đơn giá quy định của nhà nước, nên tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm.
Hơn nữa, do nền địa chất tại Bến Tre yếu nên suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn; hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp phần lớn chưa có hoặc yếu kém, làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Một số cụm công nghiệp được giao cho nhà đầu tư là doanh nghiệp khai thác nhưng không đủ năng lực dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị chậm trễ, ảnh hưởng đến việc mời gọi đầu tư như cụm công nghiệp Phú Hưng, cụm công nghiệp An Hòa Tây.
Đáng chú ý, hầu hết các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định./.
Theo BNews/