Trang chủ » Bảo đảm thị trường hàng hóa khu vực phía Nam – Bài cuối: Tổ chức nguồn hàng cung ứng hợp lý

Bảo đảm thị trường hàng hóa khu vực phía Nam – Bài cuối: Tổ chức nguồn hàng cung ứng hợp lý

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Gian hàng thịt lợn ở chợ Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, vắng khách trong ngày đầu giãn cách xã hội ở Đồng Tháp. 

Đây cũng là những giải pháp linh hoạt mà các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang áp dụng hiệu quả đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; đồng thời, phòng, chống dịch hiệu quả, sớm đưa hoạt động kinh tế – xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp có trên 250 cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa thiết yếu đã dự trữ hàng hóa tăng từ 3 – 5 lần. Ngoài các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, tiện ích, ngành công thương tỉnh còn trao đổi với doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm trên địa bàn sẵn sàng cung cấp ngay khi cần thiết. Bên cạnh đó, cửa hàng, siêu thị cũng triển khai bán hàng qua mạng và giao hàng tận nhà cho người dân.

Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp thông tin đến người dân việc các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng. Các đơn vị kinh doanh, hệ thống siêu thị, cửa hàng cũng có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; đồng thời, khuyến cáo người dân không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Để đảm bảo phòng, chống dịch, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế như thực hiện hiệu quả biện pháp 5K và khuyến khích hình thức mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.

Tại các chợ trước ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh vào ngày 13/7, các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá và hút hàng. Cụ thể, thịt lợn tại chợ thành phố Cao Lãnh tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Theo đó, thịt ba rọi có giá hơn 200.000 đồng/kg, thịt sườn từ 220.000 – 230.000 đồng/kg… Các mặt hàng trứng vịt giá 4.000 đồng/quả, trứng gà 3.500/quả; bắp cải 40.000 đồng/kg… Nhiều chợ ở các huyện Tháp Mười, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự… do có nhiều người mua, các tiểu thương tự tăng giá nên giá các mặt hàng thực phẩm đều tăng.

Đến sáng ngày 14/7 là ngày đầu giãn cách xã hội trên địa bàn Đồng Tháp, tại các chợ lượng người mua hàng ít và đảm bảo giữ khoảng cách. Nhiều gian hàng thịt lợn ít người mua, giá xuống thấp so với ngày thường.

Tại chợ Phú Mỹ và chợ thành phố Cao Lãnh, giá thịt lợn loại ba rọi bán còn 165.000 đồng/kg, sườn lợn 200.000 đồng/kg, giá trứng vịt từ 3.500 – 3.800 đồng/quả, trứng gà 3.000 đồng/quả…

Chị Nguyễn Thị Hiếu nhà gần chợ cho biết, sáng nay thịt lợn tại các sạp bày bán nhiều, nhưng không có người mua.

Ông Phan Thế Thảo, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh cho biết, để chuẩn bị cho các tình huống xấu có thể xảy ra, siêu thị Co.op mart Cao Lãnh đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó. Theo đó, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để có lượng hàng hóa cung cấp dồi dào và liên tục với giá cả ổn định.

Để đảm bảo guồng quay của chuỗi cung ứng hàng hóa, ông khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sắm vừa đủ như ngày thường, không nên mua quá nhiều vào cùng một thời điểm. Hiện siêu thị Co.opmart Cao Lãnh cũng là một trong những đơn vị thực hiện cam kết với Sở Công Thương Đồng Tháp về bán hàng bình ổn giá. Người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua vừa đủ vì siêu thị đảm bảo hàng hóa dồi dào và có rất nhiều mặt hàng đang chạy các chương trình khuyến mãi.

Chú thích ảnh
Phong phú mặt hàng rau xanh tại Cửa hàng Điện máy xanh thành phố Cao Lãnh trong ngày đầu giãn cách xã hội ở Đồng Tháp.

Trên địa bàn thành phố Sa Đéc có 2 hệ thống siêu thị là Co.opmart và Vinmart, 5 hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, 5 cửa hàng tiện ích và k6 chợ truyền thống… Với những hệ thống chợ, siêu thị sẵn có, địa phương triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như: gạo, mỳ gói, dầu ăn, nước uống với giá cả ổn định. Đồng thời, thành phố bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp, hệ thống phân phối, đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục cho người dân. Cùng đó, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán lên cao bất hợp lý.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Sa Đéc cũng có kế hoạch sản xuất, phương án dự trữ hàng hóa, điều phối, vận chuyển nhằm đảm bảo kịp thời cung ứng sản phẩm cho nhân dân.

Bà Lê Thị Hồng – Trưởng Ban quản lý chợ Sa Đéc cho biết, hiện tại, hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tại các chợ khá dồi dào với giá cả ổn định. Ban quản lý chợ cũng triển khai phòng, chống dịch đến các tiểu thương, người dân tham gia mua sắm…

Những ngày qua, tại Siêu thị Co.opmart Sa Đéc, sức mua sắm các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm vẫn diễn ra bình thường, người dân không mua sắm ồ ạt, tích trữ hàng hóa. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong siêu thị luôn đầy đủ đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.

Tại địa bàn các huyện của tỉnh Đồng Tháp, nguồn hàng hóa tại các chợ cũng đảm bảo cung cấp đầy đủ cho người dân.

Tại huyện Lai Vung, ông Dương Minh The, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lai Vung cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đề xuất phương án điều phối cho các xã, thị trấn nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân khi xảy ra thiếu hàng hoặc có cung ứng hàng hóa cho khu vực cách ly. Huyện phối hợp với Sở Công Thương tỉnh nắm đầu mối, thông tin năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa của các địa phương khác để kịp thời có đề nghị hỗ trợ, cung ứng hàng hóa cho huyện khi nguồn cung trên địa bàn thiếu hàng.

Cùng đó, nắm chắc nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng phục vụ người dân để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác đảm bảo nguồn cung. Để hạn chế tập trung đông người, huyện yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện phương thức giao hàng tận nhà…

Huyện Lấp Vò có 31 chợ, mạng lưới chợ nông thôn, chợ trung tâm xã được đầu tư, nâng cấp để đảm bảo lưu thông hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Ngoài ra, còn có các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn bán các nhu yếu phẩm, hàng hóa ở các xã, thị trấn, cơ bản đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người dân.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Quản lý thị trường Đồng Tháp thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng. Khi người dân phát hiện những điểm bán các mặt hàng thiết yếu không niêm yết giá hàng hóa, bán cao hơn giá niêm yết, đầu cơ, găm hàng… gọi ngay cho đường dây nóng để kịp thời xử lý.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm