Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, những chính sách của Chính phủ nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế đã tạo được niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Để có được niềm tin đó theo TS Vũ Tiến Lộc, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng. Những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, qua báo chí, đã đến kịp thời tới các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng đi theo.
Đặc biệt, tiếng nói của doanh nghiệp được báo chí lắng nghe, đồng cảm và phản ánh một cách trung thực, kịp thời, qua đó giúp tháo gỡ nhiều khăn khăn cho doanh nghiệp, giúp người lao động ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đại dịch COVID-19 được coi là thách thức chưa từng có đối với nhân loại. Trước những tác động khó kiểm soát của đại dịch COVID-19, mỗi cá nhân, tập thể; mỗi quốc gia và toàn thế giới đều phải thay đổi và thích ứng với điều kiện mới.
Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước vừa là công cụ hữu hiệu để cổ vũ, biểu dương và bảo vệ doanh nghiệp doanh nhân tư vấn giúp doanh nhân cải thiện, nâng cao hiệu quả chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu văn hóa doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, báo chí đã trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả nhất trong việc phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân giúp góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động kinh doanh.
“Báo chí là nơi tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để đề đạt với cơ quan Nhà nước, góp phần làm cho chủ thể kinh tế sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và tạo điều kiện tốt cho việc tổ chức thực hiện. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của các cơ quan Nhà nước trong việc đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp, doanh nhân”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực hội nhà báo Việt Nam cho biết, chương trình được tổ chức liên tục trong 8 năm qua đã cho thấy những tác động tích cực cho quá trình xây dựng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Nhấn mạnh về thế giới biến đổi ở thời điểm hiện tại, ông Lợi cho rằng “hơn lúc nào hết, thời điểm hiện tại là thời điểm mà báo chí cần cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về thị trường và đầu tư để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tận dụng được các cơ hội, từ đó sớm vượt qua khủng hoảng của COVID-19”, ông Lợi nhấn mạnh. Cũng theo ông Lợi, thời điểm hiện tại là thời điểm mà các tấm gương tốt, các cách làm hay cần được biểu dương.
“Không chỉ về các vấn đề liên quan đến người tốt, việc tốt. Chúng ta nêu những mặt tốt thì những sai phạm, những thiếu sót cần được báo chí phản ánh để từ đó có những sửa chữa, khắc phục”, ông Lợi nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp hiện tại. Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, do tình hình COVID-19, các doanh nghiệp ở Hà Nội nói riêng đã khó khăn rất nhiều. Theo khảo sát của Hiệp hội đối với 1.500 doanh nghiệp thành viên, hiện nay có 57% các doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng, 38% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, còn các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động hoặc chờ giải thể thì có 2,6%, chỉ có 1,4% các doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết: “Sau khi chúng tôi biết Chính phủ thực hiện nghị quyết 68 ban hành ngày 1/7 về một số chính sách cho người lao động, đây là đòn bẩy để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi mong muốn đối với gói hỗ trợ này, Chính phủ có kế hoạch triển khai một cách cụ thể, nhanh chóng, kịp thời, chính xác”.
Đối với gói hỗ trợ lần thứ nhất, các thủ tục thực hiện thường mất từ 45 ngày, thậm chí 3 tháng mới nhận được hỗ trợ, nên việc này cần cố gắng triển khai nhanh, rộng rãi.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Phúc Sinh chia sẻ, doanh nghiệp rất cảm ơn báo chí thời gian qua đã hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn. COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn trên toàn thế giới. Đại dịch này đã làm chao đảo mọi nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Do đó, hơn lúc nào hết sự chia sẻ của báo chí với doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua mọi khủng hoảng của COVID-19”.
Bài viết dự thi là tác phẩm đã được đăng chính thức trên các phương tiện báo in và báo điện tử từ ngày 13/10/2020 đến ngày 15/9/2021. Bài viết phải phản ánh được những chuyển biến, vướng mắc về môi trường kinh doanh nói chung và những cải cách kịp thời của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện; phản ánh trung thực đời sống của doanh nghiệp, doanh nhân; thông tin chính xác và kịp thời và chân thực về cuộc sống, cách thức kinh doanh, kinh nghiệm của doanh nhân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các tác phẩm phải tuyên truyền về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy hơn nữa Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, những doanh nghiệp doanh nhân vượt khó thành công, những bài học kinh nghiệp… Không xét tác phẩm có yếu tố hư cấu.
Giải thưởng chương trình gồm: 1 giải A: 20 triệu đồng và hiện vật; 2 giải B mỗi giải 10 triệu đồng và hiện vật; 3 giải C mỗi giải 5 triệu đồng và hiện vật; 5 giải khuyến khích mỗi giải 2 triệu đồng và hiện vật.
Theo Báo Tin Tức