Trang chủ » Ngày mới ở xóm Đầu [484]

Ngày mới ở xóm Đầu [484]

bởi unexpress
Hơn 10 năm trước, xóm Đầu, thôn Sơn Quả, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) được nhiều người biết đến bởi hiện tượng gia súc chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Chăn nuôi bị đình trệ đã khiến cuộc sống của người dân trong thôn gặp nhiều khó khăn. Mới đây trở lại xóm Đầu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay khi gia súc, gia cầm… đã được các hộ nuôi trở lại.
 
Trước hiện tượng gia súc chết hàng loạt ở xóm Đầu, các cơ quan chức năng, nhà khoa học… đã về nghiên cứu, đưa ra những cách lý giải nhằm giúp người dân ổn định tâm lý và sớm vượt qua khó khăn. Đặc biệt, tháng 5-2006 Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (thuộc Sở khoa học – công nghệ) triển khai đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp khắc phục, phát triển chăn nuôi gia súc tại xóm Đầu, thôn Sơn Quả…”. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên là do vi khuẩn Ecoli… Từ nghiên cứu này, Đề án đầu tư 420 triệu đồng để hỗ trợ các hộ đưa 22 con bò, 44 con lợn, hơn 50 con chó về nuôi. Toàn bộ thức ăn cho vật nuôi đều được cung cấp. Khi số vật nuôi theo đề án đều được nuôi dưỡng khỏe mạnh, phát triển bình thường thì người dân mới dần cởi bỏ tâm lý hoang mang và tiếp tục đầu tư chăn nuôi trở lại.
Chúng tôi đến nhà ông trưởng xóm Lau Văn Lần thấy có nhiều cái mới. Chuồng nuôi có cả lợn nái và đàn lợn con. Đàn chó con to, con bé sủa ầm ĩ. Được biết mấy năm trước nhà ông cứ nuôi con nào chết con nấy. Đến khi có đề tài của Trung tâm khoa học công nghệ ông mới mạnh dạn xây chuồng trại nuôi 18 con lợn, sau khi xuất chuồng thu lãi 40 triệu đồng, ông tiếp tục đầu tư 20 triệu đồng mua con giống, còn lại mua máy xát gạo phục vụ bà con trong xóm. Hỏi về tình hình chăn nuôi của xóm, ông Lần cởi mở: giờ cả xóm nhà nào cũng chăn nuôi, không đếm xuể, phải có thời gian mới thống kê được. Trung bình mỗi hộ có một con bò, một con lợn nái, vài con lợn thịt và từ 1-2 con chó. Ngay như nhà chị Lưu Thị Lan, chỉ có hai mẹ con nhưng cũng có 2 con bò, 3 con lợn thịt, từ hộ nghèo đã vươn lên khá giả. Hay như hộ các anh Duyến, Tuyến hiện cũng nuôi 1-2 con bò và vài chục con  lợn.
Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Duyến, ông Lần chỉ ngôi nhà hai tầng mới xây bảo nhờ chăn nuôi cả đấy. Vợ chồng anh Duyến vừa chăn nuôi, kết hợp kinh doanh thức ăn chăn nuôi nên có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Anh Duyến kể: “Như nhiều hộ khác trong xóm, hai năm 1998, 1999 gia đình tôi bị chết hơn 10 con bò, lợn. Đã có lúc tôi định bỏ làng đi nơi khác sinh sống. Thật may được sự quan tâm của Nhà nước, chăn nuôi trong xóm dần phát triển trở lại”. Gia đình anh Duyến lúc nào cũng có bò và vài chục con lợn để tăng gia. Mỗi năm anh xuất chuồng từ 4-5 lứa lợn, thu vài chục triệu đồng. Mới đây anh bán một con bò thu 15 triệu đồng. Chăn nuôi phát triển, nhất là đàn trâu bò đã giúp người dân xóm Đầu phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, hộ nghèo giảm đáng kể. Những năm 1999, 2000 phần lớn số hộ trong xóm lâm vào cảnh đói nghèo, giờ đây chỉ còn 3/38 hộ thuộc diện nghèo, còn lại đều đã khá giả.
Nguyễn Phương Nhung
Nguồn: http://baobacgiang.com.vn, 25/2/2010

Có thể bạn quan tâm