Thời gian qua, nông dân nhiều địa phương lo lắng khi phần lớn diện tích khoai tây vụ đông được trồng theo chương trình hỗ trợ của tỉnh phát triển không bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?
Ông Đặng Văn Trước, thôn Hợp Tiến, xã Cao Thượng (Tân Yên) phản ánh: Gia đình tôi trồng khoai tây đã nhiều năm nay. Vụ này, chính quyền địa phương cho biết, tỉnh có chính sách hỗ trợ giống nên tôi đăng ký mua 52 kg khoai tây giống, dự định trồng 1,5 sào. Do tỷ lệ củ thối cao nên gia đình tôi chỉ trồng được 7 thước (bằng 1/3 diện tích dự định trồng). Sau khi trồng, tỷ lệ nảy mầm của khoai tây cũng không đều, có củ mầm lên 20-30cm, có củ mầm mới nhú, thậm chí thối rữa… Không những thế, ngay giai đoạn đầu cây khoai tây đã có biểu hiện bị sâu bệnh (lá xoăn). Bao nhiêu công sức, tiền giống, phân bón chúng tôi bỏ ra có nguy cơ mất trắng, không xử lý tốt còn ảnh hưởng tới vụ lúa chiêm xuân tới do trồng muộn và dặm nhiều lần…
Đây chỉ là một trong rất nhiều ý kiến của người dân địa phương về chất lượng khoai tây giống được tỉnh hỗ trợ sản xuất vụ đông này. Theo quyết định của UBND tỉnh, năm nay nông dân 7 huyện gồm: Hiệp Hoà, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam và Lục Ngạn được hỗ trợ 30% giá giống khoai tây chất lượng sạch bệnh với diện tích khoảng 1.500 ha. Chính sách trên được đông đảo nhân dân các địa phương đón nhận bởi đây là cơ hội để các hộ nâng cao thu nhập trong sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, sau khi trồng, nhiều diện tích khoai tây phát triển không bình thường với biểu hiện: tỷ lệ nảy mầm thấp, khoai giống bị thối hoặc ra nhiều mầm von dài ở cùng một mắt của củ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, có khoảng 204,3/325,7 ha khoai tây giống Trung Quốc có biểu hiện này tập trung chủ yếu ở các huyện Hiệp Hoà, Việt Yên và Tân Yên. Ngoài ra, tỷ lệ nảy mầm của gần 7 ha khoai tây giống Solara và Atlantic tại xã Quảng Minh (Việt Yên) cũng chỉ đạt 50%. Nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân do việc xử lý nảy mầm không tốt (chiếu xạ, sử dụng chất kích thích quá liều…) Các yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu, nước tưới không ảnh hưởng bởi từ khi trồng đến nay trời không mưa, phần lớn diện tích khoai tây có biểu hiện trên lại tập trung ở các địa phương nông dân có kinh nghiệm trồng khoai tây nhiều năm. Hơn nữa, trên một xứ đồng hoặc cùng một thửa chỉ có khoai tây sạch bệnh cung ứng theo chương trình tỉnh trợ giá mới có biểu hiện trên, các giống khoai tây khác do nông dân mua ngoài thị trường trồng đều phát triển tốt, bảo đảm yêu cầu.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập 3 tổ công tác gồm cán bộ phòng chuyên môn, đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang (đơn vị cung ứng giống) phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành xác minh thực tế trên đồng ruộng, đồng thời có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời. Theo đó, với diện tích khoai tây bị chết hoặc von mầm, ngành chức năng và địa phương chỉ đạo nông dân trồng lại khoai tây hoặc chuyển sang trồng các loại cây rau màu ngắn ngày khác. Ở những diện tích khoai tây bị thiệt hại nhẹ, hướng dẫn nông dân trồng dặm, đồng thời đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang cử cán bộ bám sát đồng ruộng, cung ứng giống bổ sung để nông dân trồng lại số diện tích theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT và hỗ trợ công trồng, chăm sóc 277.800 đồng/ha (tương đương 10 nghìn đồng/sào). Phần diện tích người dân tự mua giống ngoài thị trường trồng hoặc nông dân tự để lại chăm sóc, đơn vị cung ứng có văn bản thống nhất với địa phương mức hỗ trợ thiệt hại cho nông dân (hỗ trợ một phần giá giống, công chăm sóc) khoảng 3.137.800đ/ha (hơn 100 nghìn đồng/sào).
Khoai tây cung ứng theo chương trình hỗ trợ sản xuất phát triển không bình thường là điều đáng tiếc xảy ra. Ngành chức năng đã có chỉ đạo kịp thời, đơn vị cung ứng thể hiện trách nhiệm bằng việc cung ứng giống bổ sung và hỗ trợ thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với chất lượng giống như vậy, diện tích và năng suất khoai tây vụ này khó đạt được kế hoạch đề ra. Hơn nữa, việc hỗ trợ thiệt hại của đơn vị cung ứng với người sản xuất như trên chưa thực sự thoả đáng, nhiều nông dân cho rằng mức đền bù của Công ty đưa ra quá thấp nên không chấp nhận… Thiết nghĩ việc cung ứng giống kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân về chương trình trợ cước, trợ giá giống của Nhà nước. Vì vậy ngoài đền bù thiệt hại thoả đáng cho người dân, đơn vị cung ứng giống cần rút kinh nghiệm sâu sắc vì được biết Công ty Giống cây trồng Bắc Giang còn được cung ứng giống lúa lai trong vụ lúa chiêm xuân tới
Thanh Hải – Huy Nam
Nguồn: http://www.baobacgiang.com.vn/11/50494.bgo, 30/12/2009, 8h13
Hiephoa.net đăng lại 30/12/2009, 10h30