Trang chủ » Bãi bỏ quy định tỷ lệ nội địa hóa ô tô: Phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế

Bãi bỏ quy định tỷ lệ nội địa hóa ô tô: Phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế

bởi unexpress

BNEWS Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô ở Việt Nam sẽ được bãi bỏ từ ngày 1/10/2022 sẽ phù hợp với bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô ở Việt Nam sẽ được bãi bỏ từ ngày 1/10/2022 do không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Theo Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành, Thông tư này đã bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ này ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Cụ thể, bãi bỏ Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN và bãi bỏ Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA… nên các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không còn nên cần bãi bỏ, sửa đổi các quy định liên quan để phù hợp với tình hình thực tế. Việc bãi bỏ các quy định trên không chỉ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Tuấn, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN được coi là bước ngoặt lớn trong xây dựng chính sách ngành công nghiệp ô tô thời gian tới. Thực tế cho thấy, sau gần 30 năm phát triển ngành công nghiệp ô tô, các liên doanh vào Việt Nam đều cam kết về tỷ lệ nội địa hóa ô tô tăng dần theo từng giai đoạn, nhưng chính sách quản lý không có chế tài ràng buộc về việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây là một trong những lý do khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay vẫn loay hoay với bài toán nội địa hóa.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được ban hành tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/7/2014, đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước; giai đoạn 2021 – 2025 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ)…
Tuy nhiên, đến nay ngoại trừ ô tô tải nhẹ, ô tô khách, các mục tiêu trên đều không đạt, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, các sản phẩm đã được nội địa hóa lại mang hàm lượng công nghệ rất thấp.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố danh sách về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sản xuất được 256 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, 14 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô trên 9 chỗ ngồi và 17 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô tải. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất được những sản phẩm giản đơn như: keo dán kính chắn gió, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí… Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe và danh sách này không có những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn… Điều này khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10 – 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Dẫn chứng cho câu chuyện này, Toyota Việt Nam đưa ra ví dụ về chiếc nắp bình xăng bán ở Thái Lan chỉ 1,5 USD, còn tại Việt Nam là 3,8 USD. Sau nhiều lần thương thảo, sản phẩm này vẫn có giá 2,5 USD. Với giá này, chắc chắn các doanh nghiệp lắp ráp ô tô sẽ phải nhập khẩu.
Còn theo Bộ Công Thương, hiện nay cả nước có khoảng hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, khó có điều kiện đầu tư cho công nghệ và việc liên kết giữa các doanh nghiệp này khá yếu…
Theo một liên doanh ô tô tại Việt Nam, cùng với các Hiệp định Việt Nam đã ký kết, việc bãi bỏ các văn bản quy phạp pháp luật trên là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Qua đó, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước duy trì sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu được hưởng thuế suất nhập khẩu theo các Hiệp định Việt Nam đã ký kết./. 

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm