Trang chủ » Ba kịch bản cho nền kinh tế Singapore trong năm 2023

Ba kịch bản cho nền kinh tế Singapore trong năm 2023

bởi unexpress

BNEWS Cơ quan tiền tệ Singapore cảnh báo giá cả ở Singapore sẽ tiếp tục ở mức cao – hoặc thậm chí còn cao hơn và kéo dài hơn đến tận năm 2023.

Theo báo The Straits Times, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, tức ngân hàng trung ương) cho biết tăng trưởng kinh tế của Singapore năm 2023 dự kiến sẽ ở mức vừa phải, phù hợp với xu hướng chậm lại ở các nền kinh tế đối tác thương mại lớn của nước này, đồng thời lạm phát sẽ giảm, mặc dù vẫn cao hơn mức trung bình 1,5% kể từ năm 2000.
Tuy nhiên, MAS cũng cảnh báo giá cả ở Singapore sẽ tiếp tục ở mức cao – hoặc thậm chí còn cao hơn và kéo dài hơn đến tận năm 2023. Cơ quan này đưa ra ba nguyên nhân lý giải cho điều này.  
Nguyên nhân thứ nhất là các cú sốc mới về giá hàng hóa toàn cầu. Theo đó, các cú sốc mới đối với nguồn cung năng lượng và lương thực, thực phẩm toàn cầu nảy sinh từ cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine – cả hai nhà sản xuất và xuất khẩu lớn dầu mỏ và khí đốt, ngũ cốc và kim loại công nghiệp – có thể làm gia tăng sức ép lạm phát.
Ngay cả khi không có những cú sốc mới, cuộc xung đột này cũng có thể kéo dài và tiếp tục đẩy giá năng lượng và hàng hóa toàn cầu lên cao. Điều này đến lượt nó sẽ thúc đẩy lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu trong những tháng tới.
Nguyên nhân thứ hai là những sự gián đoạn nguồn cung ở nước ngoài. Cuộc xung đột ở Ukraine hay sự bùng phát các làn sóng COVID-19 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra có thể yêu cầu những hạn chế đi lại mới ở các nước. Những rạn nứt của chuỗi cung ứng đã bắt đầu tái nổi lên trong nửa cuối năm 2021, ngay cả trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Các hạn chế đi lại ngắt quãng ở các nền kinh tế khác nhau một lần nữa có thể gây ra sự tắc nghẽn trên các chuỗi sản xuất, chẳng hạn như làm gián đoạn việc xếp dỡ hàng hóa ở các cảng biển lớn. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải hứng chịu những hạn chế như vậy do chính sách “Zero COVID” nhằm loại trừ virus.
Nguyên nhân cuối cùng là tình trạng thiếu hụt lao động ở Singapore. Một nguyên nhân then chốt dẫn đến áp lực lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, trong đó có Singapore, là sự thắt chặt thị trường lao động.
Nhu cầu lao động đã tăng lên rõ rệt so với sự sụt giảm tỷ lệ tham gia thị trường lao động xảy ra trong thời kỳ đại dịch và vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Tình trạng thiếu hụt đã dẫn đến việc tăng lương vượt quá mức tăng năng suất, gây ra áp lực giá cả.
Ở Singapore, mặc dù nhiều lao động nước ngoài hơn đã quay trở lại, nhưng lực lượng lao động này vẫn thấp hơn 15% so với mức trước dịch bệnh. Các vị trí tuyển dụng cũng ở mức cao kỷ lục với sự gia tăng trên diện rộng ở tất cả các lĩnh vực.
Tỷ lệ vị trí việc làm trên số người thất nghiệp đã tăng lên 2,42 (cứ mỗi người thất nghiệp có hơn 2 vị trí việc làm) trong tháng Ba, mức cao nhất kể từ năm 1998. Lương cho công dân và thường trú nhân Singapore trong ba quý vừa qua đã tăng trung bình 6,2% hàng năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tính đến thời điểm này, dự kiến kinh tế Singapore sẽ không suy thoái cũng như không xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ trong năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có những rủi ro suy giảm đáng kể, MAS đưa ra ba kịch bản cho nền kinh tế của “đảo quốc sư tử”.
Theo đó, kịch bản tốt đẹp là “hạ cánh mềm”, tức là tăng trưởng chậm lại đủ để giảm lạm phát nhưng nền kinh tế tránh được suy thoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng rất khó để đạt được kết quả này, mà thay vào đó là suy thoái kỹ thuật nhẹ, ngắn hạn giúp kiềm chế được lạm phát và đặt ra một giai đoạn cho sự phục hồi.
Kịch bản xấu là “hạ cánh cứng”, theo đó ở một số nền kinh tế lớn sẽ suy thoái sâu hơn ngay cả khi lạm phát giảm. Kịch bản này có thể xảy ra nếu việc thắt chặt chính sách tiền tệ như lãi suất cao hơn sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính.

Suy thoái ở một nền kinh tế lớn như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU) có thể gây ra những tác động đáng kể đến toàn thế giới, trong đó có nền kinh tế hướng theo xuất khẩu như Singapore.
Kịch bản tồi tệ là tăng trưởng đình trệ trong khi lạm phát vẫn ở mức cao – gọi là lạm phát đình trệ. Kịch bản này có thể xảy ra nếu các cú sốc hay gián đoạn nguồn cung mới làm lạm phát gia tăng hơn nữa trong khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm giảm mạnh hoạt động kinh tế.

Theo giới phân tích, kịch bản này hiếm khi xảy ra, nhưng nếu có thì nó sẽ đem lại tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách cho các chính phủ và các ngân hàng trung ương./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm