Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 179,86 điểm, hay 0,5%, xuống 33.614,80 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 34,62 điểm, hay 0,8%, xuống 4.328,87 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 224,5 điểm, hay 1,7%, và đóng phiên ở mức 13.313,44 điểm.
Chứng khoán Mỹ giảm khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang đã lấn át số liệu việc làm tích cực của Mỹ trong tháng Hai.
Số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng 678.000 việc làm trong tháng Hai, cao hơn mức tăng dự đoán 440.000 việc làm. Mức lương trung bình theo giờ tại Mỹ đã tăng 1 xu Mỹ lên 31,58 USD và số giờ làm việc tăng 0,1 giờ.
Giới đầu tư đang tập trung vào các tin tức về vụ cháy nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở thành phố Enerhodar của Ukraine. Nhà máy này có sáu lò phản ứng, và ba trong số đó đã ngừng hoạt động trước vụ cháy trên. Việc Nga chiếm quyền kiểm soát nhà máy này đã làm gia tăng lo ngại rằng quân đội nước này sẽ tiếp tục kiểm soát các cơ sở hạ tầng khác của Ukraine trong các lĩnh vực như năng lượng, nước và viễn thông.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm 1,3%, còn chỉ số Nasdaq giảm 2,8%. Chỉ số Dow Jones đã giảm bốn tuần liên tiếp, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều giảm ba trong bốn tuần qua, theo số liệu của Dow Jones Market Data.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ba trên bốn phiên còn lại của tuần qua, khi các lệnh trừng phạt mạnh hơn đối với Nga làm trầm trọng thêm lo lắng về ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phiên 3/3 là phiên duy nhất trong tuần này chứng khoán Mỹ tăng điểm, khi thị trường nhận được sự “trấn an” từ bình luận của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tổ chức tài chính này sẽ có cách tiếp cận kiên nhẫn đối với việc tăng lãi suất.
Trong hai phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có những phát biểu ôn hòa khi cho rằng cần phải cân bằng giữa cuộc chiến chống lạm phát với những thiệt hại kinh tế chưa rõ ràng từ căng thẳng Nga-Ukraine. Chủ tịch Powell cho hay những tác động ngắn hạn của căng thẳng Ukraine, các lệnh trừng phạt và các sự kiện sắp xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ vẫn rất không chắc chắn. Do vậy, Fed sẽ cần theo dõi sát sao tình hình.
Trong một cuộc điều trần trước các nhà lập pháp Hạ viện, ông Powell cho biết ông ủng hộ mức tăng lãi suất vừa phải khoảng 0,25 điểm phần trăm hơn là mức tăng 0,5 điểm phần trăm cho lần tăng lãi suất đầu tiên, dự kiến sẽ được đưa ra tại cuộc họp của Fed vào cuối tháng này.
Các lệnh trừng phạt đối với Nga đã đẩy đồng ruble của nước này xuống mức thấp kỷ lục và buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất hơn gấp đôi lên 20%. Trong khi đó, Sở giao dịch chứng khoán Moskva đã phải đóng cửa nhằm ngăn chặn một đợt bán tháo tiềm tàng khác.
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp các mặt hàng quan trọng từ khu vực này, bao gồm lúa mì, niken và đặc biệt là dầu thô – loại hàng hóa đang ghi nhận nhu cầu tăng cao khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.
Bên cạnh đó, tình hình Ukraine càng gây thêm đau đầu cho các ngân hàng trung ương toàn cầu. Họ có khả năng sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ khi cố gắng hỗ trợ nền kinh tế của mình.
Ông Art Hogan, chiến lược gia tại công ty môi giới National Securities (Mỹ), nhận định tình hình căng thẳng tại Ukraine có nguy cơ tiếp tục leo thang. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với nhiều lực cản.
Một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đang chậm lại do giá cả tăng và tình trạng thiếu lao động, nguyên vật liệu cản trở hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo Báo Tin Tức