(Dân Việt) – “Hình ảnh của Người luôn hiện hữu sáng ngời trong tôi, trở thành động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng…”. Đó là tâm sự của bà Lê Thị Tấm, 82 tuổi ở TP. Bắc Giang.
Bà Tấm luôn nâng niu và trân trọng những kỉ niệm về Bác.
1. Chứa chan hồi ức
Chúng tôi tìm đến số nhà 167, đường Ngô Gia Tự, TP. Bắc Giang – nơi bà Tấm đang sống. Dù đã vượt xa cái tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng trông bà còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Rót chén trà xanh mời khách, bà bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ.
Sinh ra từ cái nôi cách mạng Định Hóa (Thái Nguyên), cô thiếu nữ người dân tộc Tày, Lê Thị Tấm tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, khi mới 15 tuổi. Lần đầu tiên Tấm được gặp Bác là khi Người về thăm và động viên đoàn cán bộ cách mạng của huyện Định Hóa.
Khi đó Tấm đang là một nữ cán bộ Việt Minh làm công tác tuyên truyền vũ trang, xây dựng cơ sở cách mạng, 19 tuổi, vừa được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong buổi gặp mặt ấy, Bác đã biểu dương cô nữ cán bộ trẻ năng nổ Lê Thị Tấm.
“Sau cuộc gặp ấy, dù có khó khăn như thế nào chúng tôi cũng cố gắng và nỗ lực vượt qua, vì đã có Bác soi đường chỉ lối cho mình rồi. Với chúng tôi, Bác là niềm tin và sức mạnh”- bà Tấm tâm sự.
Lần thứ hai bà được gặp Bác Hồ là khi Bác đến thăm lớp mẫu giáo bị đánh bom trong khu rừng Việt Bắc. Đó là một buổi chiều năm 1947, sau khi nghe tin một quả bom do máy bay của quân Pháp thả làm hai cháu bé tử vong, Bác đã đến chia buồn và động viên tất cả mọi người tiếp tục chiến đấu.
“Bác đã cởi áo của mình để đắp cho các cháu… Khi hai dòng nước mắt trên gương mặt Người chảy tràn thì ai cũng xúc động và cùng òa khóc. Mọi người đều thấy căm thù giặc Pháp và quyết tâm phải chiến đấu, chiến thắng”.
Sau này bà Tấm còn được gặp Bác thêm 4 lần nữa, đó là các lần Bác đi gặt lúa giúp bà con, Bác đến thăm các thương binh nặng… Nhưng có lẽ là đáng nhớ nhất với bà là lần Bác đến thăm tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang).
Đó là ngày 8-2-1955, Bác về thăm huyện Hiệp Hòa vào đúng ngày cưới của bà Tấm và ông Mai Thanh Sơn, khi đó là Bí thư Huyện ủy. Nghe tin, Bác đã đến chia vui và chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc. Đi cùng Bác còn có nhiều đồng chí lãnh đạo T.Ư… Trong không khí phấn khởi đó Bác đã bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”, sau khi hát xong ai cũng giơ tay lên cùng thề “Nguyện sẽ mãi đi và sống theo Đảng làm nên chiến thắng”.
2. Cõng con đi làm cách mạng
Là cán bộ tiền khởi nghĩa, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình bà Tấm đã vượt qua biết bao khó khăn gian khổ.
Năm 19 tuổi, bà đã là Đội trưởng Đội nữ tuyên truyền vũ trang, kiêm Đội trưởng Đội dân quân tự vệ huyện Định Hóa, sau đó từng phụ trách đội dân công huyện Định Hóa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bà còn tham gia đoàn đi khắp các vùng công giáo, vùng dân tộc thiểu số…, những nơi vừa giành được chính quyền để chỉ đạo công tác xây dựng chính quyền, cải cách ruộng đất… Dù ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ban đầu không biết chữ, bà đã học thuộc các khẩu hiệu tuyên truyền của Đảng để tuyên truyền cho chính bà con dân tộc mình. Rồi bà đi học thêm các lớp bổ túc để nâng cao trình độ.
Sau khi lấy chồng, năm 1960 bà Lê Thị Tấm đã chuyển về công tác tại Tỉnh ủy Hà Bắc. Năm 1964, khi bà là Chánh văn phòng Hội Phụ nữ tỉnh, ông Sơn đang là Bí thư Tỉnh ủy, đã xung phong sang Lào giúp bạn xây dựng chính quyền. Lúc đó bà đang mang thai đứa con thứ hai.
Mười hai năm đằng đẵng không nhận được tin chồng, một mình bà vừa nuôi hai con nhỏ vừa tham gia công tác dân tộc tại các huyện vùng cao. Nhiều chuyến công tác xa ở các bản vùng cao, bà đều phải cõng các con còn “đỏ hỏn” của mình theo để tiện chăm sóc.
“Dù khó khăn vất vả nhưng tôi đã vượt qua tất cả. Những lúc đó chỉ cần nghĩ đến những kỷ niệm và tình cảm của Bác đối với đồng bào là tôi lại cảm thấy có thêm nghị lực để công tác, học tập và chăm lo cho gia đình. Bây giờ tôi luôn dạy các con cháu mình phải học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức của Bác”- bà Tấm xúc động nói.
Nguyễn Văn Thương
Nguồn: http://danviet.vn:8888/4942p1c30/nghi-luc-lon-tu-6-lan-gap-bac.htm
Hiephoa.net đăng lại ngày 21/5/2010