Hôm qua 18/5, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã đi kiểm tra dịch tai xanh trên đàn lợn tại 2 tỉnh đang được coi là “rốn dịch” tại miền Bắc. Qua kiểm tra cho thấy cần phải nhanh chóng rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, ban hành văn bản, ra chính sách phòng chống dịch…
Tại Bắc Ninh, dịch bắt đầu bùng phát từ 10/4 tại các huyện Lương Tài, Thuận Thành, Gia Bình. Đến nay, dịch đã xảy ra tại 213 thôn, 95 xã, thị trấn với trên 45 ngàn con lợn mắc bệnh, trong đó số lợn chết phải tiêu hủy đã lên tới 13.564 con. Ngày 18/4 tỉnh đã công bố dịch tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài. Đến ngày 29/4 tỉnh ra quyết định điều chỉnh đơn giá hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh tai xanh.
Bộ trưởng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh
Đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, xóm 2, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du chăn nuôi 40 con lợn, mặc dù bị mắc bệnh tai xanh nhưng lợn của hộ ông Phúc không chết. Bộ trưởng ghi nhận công tác phòng dịch khá tốt của các hộ dân và cơ sở, đặc biệt là không để lợn chết đã tránh được thiệt hại lớn về kinh tế. Tổng số lợn chữa khỏi đến thời điểm này của toàn huyện Tiên Du đã lên đến trên 2.000 con. Hiện tại toàn huyện còn 9.000 con lợn mắc bệnh.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trước những số liệu báo cáo của tỉnh, dịch có chiều hướng giảm. Ghi nhận bước đầu tỉnh đã triển khai tương đối đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, của tỉnh và các chính sách mà tỉnh ban hành. Đặc biệt là phương châm chống dịch “xã bảo vệ xã, thôn bảo vệ thôn, mỗi hộ bảo vệ chính mình”. Tuy nhiên, nhìn lại dù tỉnh đã cố gắng nhưng tại sao dịch lại bùng phát ở Bắc Ninh như vừa qua thì cần phải xem xét. Có khả năng nguyên nhân là do virus. Nhưng cái chính là xem công tác chỉ đạo như thế nào.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát trong nhiều năm chống dịch, chúng ta đã rút ra được nhiều vấn đề. Tỉnh Bắc Ninh cần phải xem các văn bản, công tác chỉ đạo đã đồng bộ, kịp thời và hợp lý chưa. Bản thân Bộ NN- PTNT cũng rút kinh nghiệm từ thực tiễn như thế nào để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn. Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Trần Văn Túy đề nghị Bộ trưởng trình TƯ hỗ trợ ngân sách cho tỉnh chống dịch vì đến thời điểm này số tiền chống dịch của Bắc Ninh đã rất lớn và đưa vacxin tai xanh vào tiêm phòng. Bộ trưởng khẳng định: Với vacxin, hiện các cơ quan chuyên môn cũng rất trăn trở vì khả năng biến đổi của virus rất nhanh, độ tương thích sẽ rất thấp. Tuy nhiên, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, khảo nghiệm. Về việc hỗ trợ, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ, Bộ sẽ tập hợp và báo cáo Chính phủ.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại xã Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) và có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang. Theo báo cáo của tỉnh, từ 15/4 đến nay dịch đã xảy ra trên 4 huyện, TP là TP Bắc Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa và Lục Ngạn. Tổng số lợn mắc chỉ có gần 3.400 con, trong đó số lợn đã chữa khỏi là gần 1.500 con, chỉ tiêu hủy trên 800 con. Tại huyện Hiệp Hòa và TP Bắc Giang đã 15 ngày nay không phát hiện thêm lợn mắc bệnh. Huyện Yên Dũng đã 7 ngày không có thêm dịch mới. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định, dịch lây lan từ các địa phương khác. Khi phát hiện tỉnh đã chỉ đạo dập dịch và chữa trị đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ 15 ngàn đ/kg lợn hơi tiêu hủy.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thực tế dịch ở Bắc Giang đang diễn ra ở quy mô lớn hơn. Tỉnh chỉ công bố dịch ở huyện Yên Dũng, nhưng dịch lại có ở TP Bắc Giang, Hiệp Hòa và Lục Ngạn. Vấn đề đặt ra là dịch vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp trên quy mô lớn ở phía Bắc. Một số lợn chữa khỏi ở Bắc Giang nhưng ít nhất phải mất 3 tháng mới loại hết virus nên khả năng tiếp tục lân lan sang các vùng lân cận vẫn còn cao. Không thể chủ quan. Cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng chống, ngăn chặn dịch.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn để điều chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành chính sách cho phù hợp hơn. Bắc Giang hình như có quan điểm hơi khác trong việc chữa được tai xanh hay không chữa được tai xanh. Về vấn đề chữa được hay không, các nhà khoa học đầu ngành ở trong và ngoài nước đã bàn rất kỹ trên cả lý thuyết và thực tiễn. Và từ đó, Bộ đưa ra quan điểm là ban đầu, khi dịch bùng phát trên diện hẹp thì cần phải tiêu diệt tận gốc. Nhưng khi virus đã trở thành “địa phương” thì phải sống chung và việc chữa trị là cần thiết, tuy nhiên phải kiểm soát tốt việc vận chuyển, giết mổ, an toàn sinh học.
“Chúng ta không quá lo không tiêu thụ được thịt lợn cho dân vì công bố dịch, đó là một vấn đề lớn nhưng chúng ta không sợ. Chúng ta nói có dịch, nói chống dịch và ngày nào sẽ hết dịch thì mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều”- Bộ trưởng nói.
Vũ Minh Việt (19/05/2010 10:09)-http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/53373/Default.
Hiephoa.net copy lại từ http://www.vcn.vnn.vn/PrintPreview.aspx?ID=10420, 20/5/2010