Ngày 8-2-1955, Bác Hồ về dự hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của Đoàn Thái Nguyên – Bắc Giang và thăm bà con nông dân thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, Hiệp Hoà. Khắc ghi lời dạy của Bác, mặc dù gặp không ít khó khăn, song Đảng bộ, nhân dân Xuân Cẩm luôn chung sức dựng xây cuộc sống mới, thoả lòng mong ước của Người lúc sinh thời.
Trở lại Xuân Cẩm lần này tôi được anh cán bộ văn phòng UBND xã đưa ra thăm khu vực Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ nằm bên sông Cầu lộng gió. Nhà bia được xây dựng năm 2006 tại nơi Bác đứng nói chuyện với hội nghị năm xưa. Trên tấm bia đá đặt trang trọng ở chính giữa Nhà tưởng niệm có ghi: “Ngày 8-2-1955, Bác Hồ về dự hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của Đoàn Thái Nguyên – Bắc Giang và thăm bà con nông dân thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, Hiệp Hoà”.
Dù hơn nửa thế kỷ đã qua, song ông Đỗ Văn Kha, 82 tuổi đời, gần 50 tuổi Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà, hiện ở thôn Cẩm Xuyên còn nhớ ngày Bác về thăm. Ông Kha nhớ lại: Thời điểm đó, tôi tham gia công tác thanh niên ở địa phương. Do thông thạo địa bàn, lại viết chữ đẹp nên tôi được chọn làm kế toán của ban hậu cần hội nghị. Khoảng 8 giờ sáng hôm đó, khi chúng tôi đang làm việc thì thấy đồng chí Trưởng ban tổ chức hội nghị thông báo xuống tập trung ở hội trường. Tôi vội đến nơi thì khoảng 2 nghìn cán bộ của hai tỉnh đã tập trung đông đủ. Thấy Bác, mọi người đồng thanh hô lớn: Bác Hồ muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!… Sau khi đi thăm bếp ăn của hội nghị, Bác tiến lên lễ đài ra hiệu cho tất cả cùng ngồi xuống rồi ôn tồn hỏi thăm tình hình sức khoẻ, học tập của mọi người. Nói về công tác cải cách ruộng đất, Bác khen đội ngũ cán bộ đã có nhiều cố gắng, bước đầu như vậy là thắng lợi. Tuy nhiên, Bác cũng nhắc nhở, phê bình một số cán bộ còn ít lắng nghe, gần gũi nhân dân, ngại học tập, thiếu sâu sát với nhiệm vụ được giao. Tiếp đó, Bác nói nhiều đến phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, đảng viên. Bác căn dặn, làm cán bộ, đảng viên phải “khổ trước, sướng sau” dân… Đến giờ, những lời căn dặn của Bác vẫn như văng vẳng bên tai tôi.
Cẩm Xuyên hôm nay đã có nhiều đổi thay. Thôn có 507 hộ, 2.435 khẩu; chi bộ 39 đảng viên. Vốn là vùng quê thuần nông nên trước đây người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm và cấy lúa. Tuy nhiên, do đất canh tác ít, bình quân hơn 1 sào/khẩu, lại nằm ở khu vực trũng chỉ cấy được vụ chiêm nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sau khi trạm bơm Cẩm Bào được đầu tư xây dựng, tình trạng ngập úng không còn, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, kết hợp với đẩy mạnh chăn nuôi, làm nghề mộc, nề, kinh doanh dịch vụ nên đến nay hầu hết các hộ có thu nhập trung bình và khá, hộ nghèo giảm còn hơn 15%. Các hộ đều ngói hoá nhà ở, trong đó khoảng 30% là nhà cao tầng; đường ngõ xóm được bê tông sạch đẹp. Đặc biệt, Cẩm Xuyên còn nổi tiếng bởi sự hiếu học. Tính đến thời điểm này, thôn có hơn 70 người học đại học. Từ năm 1996 đến nay thôn được công nhận là làng văn hoá, trong đó 7 năm đạt danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh, là một trong những điển hình ở địa phương.
Không chỉ ở Cẩm Xuyên, mấy năm gần đây, tình hình kinh tế – xã hội của xã Xuân Cẩm cũng có những khởi sắc. Hai năm nay, do tuyến đường liên xã Bắc Lý – đình Xuân Biều dài 2,8km được đầu tư nâng cấp, Xuân Cẩm đã không còn khó khăn về giao thông, nhất là vào mùa mưa như trước. Cùng đó, hệ thống kênh mương, giao thông nông thôn, trường học được kiên cố hoá. Song, quan trọng hơn là cấp uỷ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã có nhiều đổi mới trong tác phong công tác cũng như nếp nghĩ, cách làm. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, cùng với tăng cường công tác xây dựng đảng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc lãnh đạo, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống được quan tâm. Trên bước đường đi tới, trước mỗi vấn đề đặt ra ở địa phương, Đảng uỷ và các chi bộ đều có nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo. Nhờ đó, trong sản xuất nông nghiệp, các giống lúa mới như Khang dân, Q5 đã được đưa vào gieo cấy hầu hết diện tích, cho năng suất 52 tạ/ha, cao hơn 5 tạ so với năm 2005. Đặc biệt, khó khăn của vùng đất trũng nay đã thành lợi thế, nhân dân trong xã đã chuyển đổi 58ha đất trũng cấy lúa một vụ sang nuôi thả cá; đồng thời đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nhất là vụ rau màu hàng hoá đã nâng giá trị thu nhập bình quân đất nông nghiệp đạt 30 triệu đồng/ha, vượt 0,4% so với mục tiêu đến năm 2010. Ngoài ra, xã còn khuyến khích nhân dân phát triển nghề đan lát truyền thống ở thôn Cẩm Bào, Cẩm Trung, nghề mộc dân dụng, nề, kinh doanh dịch vụ ở hầu khắp các thôn, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Từ những nỗ lực đó, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện một bước, lương thực bình quân đạt 430kg/người/năm, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra, trung bình mỗi năm xã giảm từ 3 đến 4% hộ nghèo. Sau nhiều năm kiên trì phấn đấu, từ đơn vị trung bình, năm 2009, Đảng bộ xã Xuân Cẩm được Ban Thường vụ Huyện uỷ Hiệp Hoà công nhận đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Minh Giang
http://baobacgiang.com.vn/266/56734.bgo, 20/5/2010