Xã Hợp Thịnh (Hiệp Hoà) hiện có hơn 1.400 hộ trồng dâu nuôi tằm. Người dân nơi đây không thể nhớ rõ nghề “ăn cơm đứng” này có từ bao giờ. Từng trải qua những thăng trầm, có lúc tưởng chừng mai một, song họ vẫn kiên trì gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.
Chúng tôi đến thôn Ninh Tào, nơi có diện tích trồng dâu lớn nhất xã. Dọc theo đê sông Cầu là những bãi dâu xanh mướt, thấp thoáng các chị, các cô đang hái dâu. Hầu như nhà nào trong thôn cũng nuôi tằm, nhà nhiều hàng chục nong, nhà ít thì vài nong. Anh Vũ Văn Hoà, người có kinh nghiệm nuôi tằm lâu năm, vừa bưng nia tằm mới nở đặt lên giàn vừa vui vẻ nói: “Nhà tôi vừa bán một lứa kén 30 kg, với giá 65 nghìn đồng/kg được gần 2 triệu đồng.” Cũng chuyên nghề tằm, anh Nguyễn Văn Băng cùng thôn chia sẻ: “Với điều kiện ở nông thôn và giá kén giữ được mức ổn định như hiện nay thì nuôi tằm cũng cho thu nhập khá. Nghề nuôi tằm không nặng nhọc, quan trọng là người nuôi phải có kinh nghiệm và chịu bỏ công chăm sóc tằm kỹ lưỡng. Con tằm ăn rất sạch, chỉ cần dính chút bẩn hay môi trường bị ô nhiễm là cả lứa tằm hỏng ngay. Do vậy lá dâu cho tằm ăn phải bảo đảm sạch và khô ráo. Hằng ngày tôi thường xuyên theo dõi nếu thấy hiện tượng tằm ướt (tằm bủng) thì phải loại bỏ ngay.” Bà Ngô Thị Nụ, thôn Đồng Đạo tâm sự: “Ngày xưa các cụ thường nói “làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” nhưng tôi thấy nuôi tằm chỉ vất vả trong thời gian chúng ăn rỗi vào khoảng 1 tuần, còn 2/3 thời gian là tằm ngủ và làm kén, thu nhập cũng khá hơn trồng lúa và màu. Gia đình tôi chỉ có 2 lao động, nhưng ngoài 4 sào lúa, tôi trồng gần 3 sào dâu và nuôi 8 nong tằm/lứa, mỗi lứa trung bình lãi hơn 1 triệu đồng”.
Cùng với thôn Ninh Tào, một số thôn ven sông như Đa Hội, Đồng Đạo, Hương Ninh có bãi bồi bởi phù sa sông Cầu vẫn giữ nghề trồng dâu, nuôi tằm. Ba năm gần đây, giá kén luôn ổn định ở mức cao. Đầu vụ tằm, giá kén giống lên đến 150 nghìn đồng/kg, kén thương phẩm từ 40-50 nghìn đồng/kg. Theo nhiều người nuôi tằm thì nghề này có nhiều ưu điểm, đặc biệt là đầu tư thấp, không độc hại. Chỉ cần đạt năng suất ở mức trung bình 20 kg kén thương phẩm/0,5 kg kén giống thì một lứa tằm (30 ngày) cũng thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Trong khi việc chăm sóc dâu thì hầu như không tốn phân hóa học hoặc thuốc bảo vệ thực vật, bởi phân bón dành cho cây dâu chủ yếu là phân chuồng được tận dụng từ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nghề nuôi tằm ở Hợp Thịnh đã có từ lâu đời, được xem là một nghề truyền thống của xã. Tằm xuân là khởi điểm cho một vụ tằm mới và cũng là vụ cho thu nhập cao nhất trong năm. Ở vụ này, người dân chủ yếu chăn giống tằm lai, còn lại là tằm ta. Theo những hộ nuôi tằm thì giống tằm lai có một số lợi thế như: giá, năng suất kén cao hơn tằm ta nhưng lại mẫn cảm với thời tiết nên hay bị bệnh, tỷ lệ rủi ro cao. Theo nhận định của lãnh đạo xã thì nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Hợp Thịnh đang gặp thuận lợi nhờ giá kén cao.
Kén được giá, người tiêu dùng ngày nay có xu hướng ưa chuộng các loại vải có nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt lụa tơ tằm được coi là một mặt hàng thời trang cao cấp. Thế nhưng ba năm trở lại đây, diện tích trồng dâu của xã không những không tăng mà còn bị thu hẹp đáng kể, từ gần 200 ha dâu những năm trước đây nay chỉ còn 96 ha. Liệu nghề trồng dâu nuôi tằm có thể trở thành thế mạnh và mang lại những đổi thay đáng kể cho đời sống và bộ mặt làng quê Hợp Thịnh? Ông Ngô Thế Ngữ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mặc dù toàn bộ số kén tằm do người dân địa phương sản xuất ra đều được tư thương thu mua nhưng người nuôi tằm cũng còn không ít trăn trở bởi đầu ra của sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tự do, nhiều khi bị tư thương ép giá, nông dân chịu thiệt thòi. Thêm vào đó, nghề này cũng tiềm ẩn rủi ro do thời tiết, thị trường bấp bênh. Trong thực tế, đã có những giai đoạn người nuôi tằm ở đây lao đao vì tằm bệnh và giá kén quá thấp.
Một lý do nữa là lớp trẻ ngày nay không còn muốn quanh quẩn bên nong tằm nên đã rời làng đi làm ăn xa, chỉ còn người già và người trung niên giữ nghề truyền thống. Một số diện tích dâu bị cằn cỗi được nông dân thay thế bằng cây lạc và cây lâm nghiệp, thêm vào đó nạn khai thác cát sỏi trái phép ven sông diễn biến phức tạp gây sạt lở bãi trồng dâu ảnh hưởng tới nguồn thức ăn cho tằm.
Ông Vũ Xuân Khoát, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ nay đến năm 2015, xã có kế hoạch mời các đơn vị chuyên môn hướng dẫn nông dân từng bước cải tạo những trà dâu đã cằn cỗi, thoái hoá bằng giống mới có năng suất, chất lượng tốt để bảo đảm nguồn thức ăn cho tằm. Chính quyền địa phương cũng vận động các hộ nuôi tằm thành lập hợp tác xã để thuận lợi cho việc tiêu thụ cũng như trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, góp phần bảo đảm lợi ích, giảm thiểu rủi ro cho nông dân.
Trịnh Lan
Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/11/56786.bgo, 20/5/2010